Tạo sự thống nhất, liền mạch
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng mạnh theo từng năm. Đơn cử, năm 2014 có 34.837 vụ vi phạm thủ tục thuế và 10.557 vụ vi phạm về hóa đơn thì đến năm 2018 con số tương ứng là 192.174 và 45.513. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe người nộp thuế. Bên cạnh đó, chính sách thuế thay đổi thường xuyên, nhiều thủ tục, có nhiểu điểm không rõ ràng gây khó khăn cho việc chấp hành pháp luật thuế.
Để hoàn thiện chế tài xử phạt, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật về thuế của người nộp thuế… Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP (Nghị định 125) quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, có hiệu lực thi hành từ 5/12/2020. Về cơ bản, các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của Nghị định 125 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định 129/2013/NĐ-CP, song song với đó là thực hiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều để phù hợp với Luật Quản lý thuế 2019. Đồng thời, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm thủ tục thuế được điều chỉnh tăng cao hơn trước.Theo Kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu A&T Việt Nam Trần Thùy Anh, thuế, hóa đơn là 2 lĩnh vực liên quan mật thiết với nhau, nhưng trước đây việc xử lý vi phạm hành chính lại quy định tại 2 văn bản. Đó là Nghị định 129/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, và Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Nghị định 125 đã tổng hợp việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực thuế và hóa đơn vào trong một văn bản. "Điều này tạo được sự thống nhất, liền mạch trong việc nhận diện vi phạm và chế tài xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn, thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế cũng như người nộp thuế trong việc thực hiện" - bà Trần Thùy Anh đánh giá.Điều chỉnh phù hợp với thực tếTrao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam cho biết, Nghị định 125 tăng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Đơn cử, các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên được xác định là vi phạm hành chính về thuế có quy mô lớn; vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn.
Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền. Với nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế, mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng. Trong đó, mức phạt tiền sẽ tăng mạnh đối với nhóm hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Bên cạnh đó, Nghị định 125 quy định chi tiết về mức phạt tiền đối với hành vi trốn thuế theo tiêu chí tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và phù hợp với nguyên tắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính.Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng, bên cạnh việc tăng mức phạt, Nghị định 125 cũng biên tập lại, điều chỉnh, xóa bỏ chế tài và giảm nhẹ mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm. "Việc bỏ chế tài xử phạt, chuyển hình thức xử phạt từ phạt tiền sang phạt cảnh cáo, giảm khung phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm tại Nghị định 125 là phù hợp với thực tế và được người nộp thuế ủng hộ" - Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam nhận định.
"Nghị định 125 giúp tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế, nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định về xử lý vi phạm hành chính thuế, hóa đơn." - Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico |