Đây được xem là giải pháp kịp thời hỗ trợ các DN, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe kiến nghị của các DN, người dân, cũng như sự quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội trong việc đồng hành cùng người dân, DN thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới. Với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… được cộng đồng DN đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.
Triển khai Nghị định số 92/2021/NĐ-CP, dự kiến sẽ có tác động giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế, tiền chậm nộp được hỗ trợ này sẽ góp phần hỗ trợ các DN, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.Trước đây, việc triển khai các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP, số lượng DN làm thủ tục gia hạn ít hơn dự kiến. Kết quả thực hiện các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất thấp hơn so với dự kiến, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đặc biệt là DN tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, dẫn đến số thuế phát sinh để được gia hạn thấp hơn dự kiến. Nhiều DN có số thuế phát sinh thấp hoặc không phát sinh thuế do phải tạm ngừng kinh doanh đã không làm thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.Chính sách đã có, người dân và DN mong rằng để chính sách phát huy hiệu quả, các đơn vị thực thi cần triển khai trong thời gian sớm nhất, thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, dễ thực hiện, hạn chế tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN tiếp cận một cách nhanh nhất. Còn đối với người dân, DN được hưởng ưu đãi từ chính sách này, cần phải tìm hiểu rõ quy định để hoàn thiện hồ sơ, nhận được hỗ trợ tốt nhất, thuận lợi nhất, đồng thời sử dụng nguồn thuế ưu đãi, thuế chậm nộp một cách hiệu quả. Tất cả đều vì một mục tiêu chung, đó là ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian sớm nhất.