Nghi lễ kéo co kết nối người thành thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/4 (tức 3/3 âm lịch), hàng trăm người dân phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) nô nức trẩy hội đền Trấn Vũ trong niềm thắc mắc của rất nhiều du khách thập phương: Tại sao kéo co lại là di sản phi vật thể quốc gia?

Long Biên từ huyện lên quận, thôn Ngọc Trì, xã Cự Linh ngày nào nay đã được định danh lại theo phong cách “rất thành thị” là phường Thạch Bàn, xóm làng được đánh số theo tổ dân phố. Cuộc sống đô thị hóa cũng khiến tình cảm gắn kết giữa làng xóm láng giềng dường như có phần mờ nhạt. Người con đất Thạch Bàn tản đi tứ xứ làm ăn, thế nhưng đến ngày 3/3 âm lịch hàng năm, phường mở hội đền Trấn Vũ, họ lại nô nức về trẩy hội. Hội đền Trấn Vũ vẫn giữ được những nghi thức truyền thống của cha ông để lại như: Đội nam tế thánh, đội nữ dâng hương. Những thanh niên dù làm nghề buôn bán ở khu chợ Long Biên, hay làm cán bộ Nhà nước… đến ngày hội cũng về đeo đai góp sức cho đội “Mạn đường”, “Mạn chợ”, “Mạn đìa” kéo co.
Lãnh đạo phường Thạch Bàn đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho kéo co ngồi.
Lãnh đạo phường Thạch Bàn đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho kéo co ngồi.
Có mặt trong hội đền Trấn Vũ năm nay, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã giải đáp được thắc mắc của nhiều khách thập phương khi phường Thạch Bàn tổ chức lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho kéo co: Kéo co ngồi ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên là kéo co nghi lễ, khác với kéo co thông thường, kéo co thể thao. Ngày làng mở hội kéo co (ngày 3/3 âm lịch hàng năm) gắn với ngày sinh của đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Nghi thức kéo co ngồi ở Long Biên là kéo bằng dây song dài hơn 40m luồn qua lỗ một cây cột gỗ được chôn chặt dưới đất. Trong nghi thức này, người dân gửi gắm niềm tin tâm linh với mong muốn mang lại may mắn cho cho cộng đồng làng xóm, nên nghi lễ dâng thánh, thắp hương không chỉ diễn ra nơi cửa đền mà còn ngay tại mảnh đất chôn cọc kéo.

Cụ Nguyễn Văn Xê (sinh năm 1924), người duy nhất của làng được tham gia kéo co vào năm 1944, cũng không rõ nghi thức kéo co truyền thống của phường Thạch Bàn có từ bao giờ. Theo thần tích để lại thì truyền thống ấy có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng trong chiến tranh và cả sau năm 1975, kéo co ngồi không được thực hành. Mãi đến năm 1989, di sản kéo co mới được phục dựng. Ý nghĩa lớn nhất của di sản này chính là tinh thần đoàn kết của cả đội thắng và đội thua, tinh thần ấy được lan truyền cho cả những người tham gia cổ vũ.

So với hát Then hoặc nhiều di sản khác, nhiều người cho rằng, di sản kéo co quá may mắn khi sớm được xếp hạng di sản phi vật thể quốc gia, nhất là việc thực hành nghi lễ này chỉ diễn ra trong khuôn khổ cộng đồng nhỏ. Đó là chưa kể, hiện nay, Bộ VHTT&DL đang hướng đến một hồ sơ liên quốc gia (Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia) đệ trình UNESCO công nhận kéo co là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, khó để cân đo đong đếm được giá trị của di sản nào nặng hơn di sản nào, bảo vệ di sản cái quan trọng là cơ hội, việc đề xuất của Hàn Quốc trong việc bảo vệ di sản kéo co khiến Việt Nam không nên từ chối. Thế nhưng, khác với các di sản khác, cho dù kéo co có được công nhận là di sản quốc gia, di sản thế giới, PGS.TS Nguyễn Văn Huy vẫn mong muốn lễ hội đền Trấn Vũ, nghi thức kéo co ngồi của Long Biên là hội của làng, là nghi thức của cộng đồng thôn Thạch Bàn. “Nếu Nhà nước mở rộng quy mô tổ chức sẽ phá hỏng di sản” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.