Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghỉ lễ kéo dài, doanh nghiệp gặp khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy năm gần đây, các kỳ nghĩ lễ, tết luôn được sắp xếp, làm bù để kỳ nghỉ cho người lao động được kéo dài hơn. Tuy nhiên, đa số các DN lại cho rằng, chính điều này đã ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của mình.

Khó cho sản xuất 
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty SOHACO VIỆT NAM (Tư vấn - Xây dựng - Đầu tư phát triển - Thương mại) Phan Văn Học cho biết, là một dân doanh nhưng công ty luôn tuân theo những quy định chung của Nhà nước nhất là những quy định về nghỉ lễ, Tết cho toàn thể công ty. Hệ thống lương của Công ty được xây dựng dựa vào nguyên tắc công bằng trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện trình độ, năng lực, kinh nghiệm, thâm niên và chủ yếu dựa vào hiệu quả công việc, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ những quy định về tiền lương của Nhà nước. Ngoài ra, Công ty cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trích nộp Bảo hiểm xã hội & Bảo hiểm Y tế và trợ cấp thất nghiệp cho người lao động... 
Ảnh minh họa (Nguồn: Intrernet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Intrernet)
Chính vì thế, sau những kỳ nghỉ lễ, Tết, CBCNV đến làm việc với tinh thần phấn khởi. Tuy nhiên, ông Học thẳng thắn chia sẻ, việc nghỉ lễ kéo dài và liên tục như kỳ nghỉ 30/4 – 1/5 với 4 ngày nghỉ thì công ty cũng ảnh hưởng về việc sản xuất, kinh doanh. Bởi thông thường việc sản xuất kinh doanh của DN phải vận hành liên tục, những đơn hàng được nhập về hay chuyển đi dịp ngày lễ nên mọi hoạt động đều bị trì hoãn, gây ảnh hưởng đến tiến độ của công ty. 

Do đó, ông Học kiến nghị và mong muốn Nhà nước nên điều chỉnh lại ngày nghỉ hợp lý hơn, đôi khi chúng ta phải thay đổi yếu tố ngày lễ truyền thống để tránh ảnh hưởng đến công việc của các DN. Chẳng hạn, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) rơi vào ngày 28/4, cách một ngày thì mới đến ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5, cứ 4 năm lại lặp lại một lần như vậy. Nếu như các nước khác, họ sẽ sắp ngày nghỉ sẽ từ 29, 30/4 và 1/5, không nghỉ bù. Như vậy ngày nghỉ liền mạch hợp lý, không ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của người lao động.

Mong điều chỉnh phù hợp

Không chỉ riêng gì ông Học, đa số các DN cho rằng, vừa nghỉ Tết, Giỗ Tổ xong, kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh của DN. Bởi, việc bố trí nhân sự trong kỳ nghỉ lễ dài ngày luôn là nỗi lo của DN vì dịp này ai cũng muốn về quê với gia đình, du lịch với bạn bè, người thân nên dù tăng lương cao hơn cho người lao động (tăng 200, thậm chí 300% hoặc hơn nữa) thì vẫn rất ít người muốn làm việc. Còn nếu DN vì đảm bảo theo kế hoạch đã định, và có thỏa thuận được với công nhân chấp nhận làm việc trong kỳ nghỉ lễ thì DN phải trả mức lương cao hơn theo chế độ đi làm ngoài giờ, ngày nghỉ. Chính vì thế, nhiều DN gặp vấn đề phát sinh chi phí về tiền lương, thưởng, đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất bị đội cao.

Dù đã có những biện pháp đối phó nhằm đảm bảo duy trì hoạt động trong các kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhưng thực tế hoạt động của DN cũng không được suôn sẻ. Bởi thực tế, chính sách này đang làm khó cho DN. Phần lớn DN mong muốn cần có những chính sách điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình kinh doanh của từng DN, bởi các cơ quan hành chính dù đã bố trí làm bù nhưng hiệu quả công việc thấp. 

Một số ngành như hải quan không nên nghỉ để tạo điều kiện cho DN trong thông quan. “Trong thời buổi kinh tế hội nhập, hoạt động ngưng lại ngày nào thì DN thiệt hại ngày đó, từ khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, chứng nhận sản phẩm, giấy kiểm dịch, làm thủ tục giao dịch xuất khẩu… cũng bị ảnh hưởng. Còn hàng hóa xuất khẩu, DN phải trả phí lưu kho, nhập khẩu thì chịu phí lưu container, lưu bãi ngoài cảng, chi phí điện…”, một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nêu ý kiến. 

Ngoài ra, DN cũng gặp khó trong giao dịch vì các ngân hàng cũng nghỉ lễ. Bên cạnh đó, do tâm lý nghỉ lễ nên năng suất lao động cũng thường giảm, khiến nhiều ngành sản xuất thiệt hại. Bởi, trong khi cả thế giới vẫn làm việc thì Việt Nam lại nghỉ kéo dài trên dưới một tuần lễ, DN Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh so với DN nước ngoài. Chưa kể điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của các DN nước ngoài vào Việt Nam vì họ lo về những thiệt hại do quá nhiều ngày nghỉ lễ.