Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị quyết 58/NQ-CP: Gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực

Thảo Nguyên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Chính phủ thể hiện quyết tâm phát triển DN cả về số lượng và chất lượng. Coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh vấn đề này.

Không có nhiều thời gian chờ đợi

Báo cáo quý I/2023 cho thấy, bức tranh kinh tế - xã hội nước ta khá ảm đạm, theo ông, DN đang phải đối mặt với những khó khăn nào?

- Từ quý III/2022, các chuyên gia đã dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ suy giảm, thậm chí có khả năng suy thoái. Cho nên, kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Ngay từ tháng 1/2023, tình hình sản xuất của số đông DN trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh. Thậm chí nhiều DN đang có xu hướng giảm bớt việc làm và chi phí mua hàng phục vụ sản xuất, chứng tỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có chiều hướng đi xuống. Nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa hồi phục…

Khó khăn ở thị trường xuất khẩu lẫn nội địa cùng diễn biến tình hình kinh doanh bất định đã khiến nhiều DN đuối sức và nản lòng, họ đã chọn giải pháp thoái lui, rời khỏi thị trường. Lần đầu tiên trong lịch sử các quý I/2023, số DN đóng cửa, rút lui cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường…

Trong thời gian tới, cộng đồng DN vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động của xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng năng lượng, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường chưa phục hồi…

Chính phủ đã thể hiện quyết tâm tìm kiếm giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn của DN. Ông đánh giá sao về Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ?

- DN là khu vực chính tạo ra của cải vật chất, việc làm và nguồn thu ngân sách… Khi họ khó khăn, phải đi đến ngưng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và ổn định xã hội. Do đó, Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương cần có chính sách kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tôi đánh giá cao và ấn tượng với các nhóm giải pháp mà Nghị quyết số 58/NQ-CP đã đề ra, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, những rào cản trước mắt, khơi thông nguồn lực và động lực cho DN phục hồi và lấy lại đà sản xuất.

Nghị quyết đã nêu ra cụ thể và toàn diện những vấn đề tồn đọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, đề ra những giải pháp trước mắt cho thị trường vốn, bất động sản, lao động, vướng mắc pháp lý... cũng như những giải pháp cho dài hạn.

Đơn cử, như giải ngân vốn đầu tư vừa là giải pháp và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, vừa là vị cứu tinh cho nền kinh tế. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản. Đây là những tín hiệu tích cực.

Hoặc như tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia; duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới.

Nhiều DN vẫn lo ngại có khoảng cách từ Nghị quyết đến triển khai?

- Lâu nay vẫn tồn tại vấn đề từ Nghị quyết, các chính sách, giải pháp rất đúng, trúng, rất hay nhưng hiệu quả thực thi thường chậm và kém hiệu quả. Như các gói vay hỗ trợ lãi suất.

Chúng ta đã phân bổ ngân sách để phục vụ cho kế hoạch này, tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ, vay vốn rất thấp, tức là chúng ta có tiền nhưng cũng không tiêu được. Vậy thì chúng ta phải rà soát lại xem vướng ở đâu để tháo gỡ chứ không thể để tình trạng một bên (Nhà nước) đã sẵn nguồn lực, bên kia (DN) thiếu, đói vốn mà không cách nào tiếp cận được.

Liên tiếp những tuần qua, các kiến nghị liên quan đến những quy định quá khó, thậm chí không thể thực hiện được trong phòng cháy, chữa cháy được các DN trong nước, nước ngoài gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước. Có những vấn đề từng kéo dài vài năm nay, lắng đi trong giai đoạn dịch bệnh, giờ lại nổi lên khi DN bắt tay đầu tư, mở rộng sản xuất.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN dù vẫn được triển khai, nhưng vì nhiều lý do, nên hiệu quả chưa cao. Nếu tình trạng trên không được nhìn nhận kịp thời và có giải pháp xoay chuyển tức thời, thì dù khó khăn, song mức đáy này sẽ kéo dài 1 - 2 quý tới, thậm chí dài hơn.

Khát vọng phải đi liền với quyết tâm

Cả VCCI hay CIEM đều chỉ ra những điểm nghẽn trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho DN. Vậy ông nhìn nhận những thách thức từ điểm nghẽn này là gì?

- Trước hết, các mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử sẽ áp dụng nhiều hơn và vẫn tiếp tục tăng trưởng cao; cầu nhập khẩu giảm làm thu hẹp sản xuất trong nước, nhất là các ngành, sản phẩm định hướng xuất khẩu; xuất khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn đang xu hướng giảm. Việc tiếp cận vốn của DN và người dân vẫn chưa được cải thiện, lãi suất cho vay không tăng nhưng ở mức cao và không giảm.

Một điều đáng tiếc là thiếu các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí, giải quyết khó khăn và tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của DN và người dân. Sinh kế của một bộ phân dân cư chuyển từ chính thức sang phi chính thức. Hiện rất cần có những thay đổi mạnh mẽ, nhất quán vừa hỗ trợ mạnh đối với DN và người lao động, vừa giải quyết các vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm.

Đây là thời điểm Chính phủ cần có chính sách về tài chính để hỗ trợ các DN thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, nhân lúc này, chúng ta nên nghiên cứu, áp dụng chính sách tài khoá ngược chu kỳ, hỗ trợ cho DN. Nghĩa là lúc DN hoạt động tốt thì cứ thu cho đủ, còn khi khó khăn như bây giờ, thì phải chi ra để hỗ trợ DN hay khu vực sản xuất.

Khó khăn thì chưa bao giờ hết, nhưng thời điểm này, DN lớn, nhỏ, DN trong nước, nước ngoài đều gửi đến rất nhiều ý kiến, kiến nghị về những rủi ro, bất cập trong thực thi chính sách, khiến niềm tin kinh doanh đang bị thử thách lớn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, nguồn lực của chúng ta có hạn, thì một thứ chúng ta có dư địa rất lớn, không giới hạn, đó là thể chế, chính sách.

Để đem lại hiệu quả của các Nghị quyết, chính sách và giải pháp, khắc phục tình trạng chậm và kém trong triển khai thực hiện, theo tôi, sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm trong bộ máy công quyền.

Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát các nhiệm vụ được giao từ đó đưa ra lộ trình với thời gian cụ thể để thực hiện; định kỳ rà soát và đánh giá tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định, khi đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực; có chế tài và thực hiện nghiêm để xử lý từng cấp, từng ngành, từng cá nhân chậm triển khai công việc, không hoàn thành nhiệm vụ; gắn và quy trách nhiệm người đứng đầu.

Dù mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 không thành, Việt Nam vẫn tiếp tục quyết tâm có 1,5 triệu DN vào năm 2025? Ông đánh giá sao về mục tiêu này?

- Đây là mục tiêu phấn đấu khá cao. Hiện cả nước có khoảng 860.000 DN đang hoạt động. Trong khi số DN rời thị trường vẫn khá lớn. Rõ ràng, nhiệm vụ tăng gần gấp đôi số DN hiện có trong bối cảnh hiện nay là một thách thức lớn, đòi hỏi rất nhiều giải pháp mạnh mẽ và thiết thực.

Mục tiêu trước đây đề ra là đạt 1 triệu DN vào năm 2020 đã không thành hiện thực, đề xuất chuyển hộ kinh doanh thành DN không được các hộ kinh doanh hưởng ứng vì nhiều lý do khác nhau.

Muốn vậy phải tháo gỡ rào cản của môi trường kinh doanh, tạo niềm tin thì họ mới gia nhập cộng đồng DN. Làm sao để DN mới, các công ty khởi nghiệp phát triển tốt, để có thêm nhiều cá nhân, hộ gia đình tự động đăng ký lập DN. Làm sao để mọi DN được tiếp cận nguồn lực như mặt bằng sản xuất, nguồn vốn, nhân lực, môi trường kinh doanh thuận lợi. Cần phải có biện pháp về thuế, kế toán để khuyến khích các hộ cá thể trở thành DN. Để tăng số DN lên đến 1,5 triệu vào năm 2025 cần rất nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh, tiếp cận vốn, đất đai…

Nghị quyết của Chính phủ rất quan trọng. Cần mở rộng chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để giúp DN vượt qua khó khăn này. Đã có rất nhiều giải pháp được ban hành, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp đó. Chính sách hỗ trợ DN cần được thực thi hiệu quả.

Điều này đòi hỏi các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cần có nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ DN trên các lĩnh vực. Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, hỗ trợ DN trong kết nối với các tổ chức tín dụng để bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu dùng; mở rộng tìm kiếm thị trường mới…

Xin cảm ơn ông!

 

"Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, những vướng mắc DN đề cập nhiều nhất đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải quyết ngay như về phòng cháy, chữa cháy, môi trường thủ tục pháp lý cho bất động sản... Gỡ được những vấn đề này thì sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế. Điều quan trọng là làm sao sớm đưa các chính sách đi nhanh vào thực tiễn." - TS Nguyễn Bích Lâm