Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghĩ về rác thải không gian mạng sau... trận bóng đá

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần đến mùa bóng đá, chúng ta lại phải suy nghĩ về thứ gọi là sự văn minh trong giới trẻ Việt Nam trên mạng.

Ở mỗi trận bóng nếu trọng tài có những quyết định không mong muốn thì cổ động viên lại vào chửi bới, tấn công các trang cá nhân của trọng tài, làm mất hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế bởi những hành động kém ý thức, những lời nói ác ý và thiếu văn minh trên không gian mạng.

Vào tháng 6/2021, đội tuyển Việt Nam thua 2 - 3 trước đội tuyển UAE, nhưng thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn xuất sắc giành vé vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á với tư cách là 1 trong 5 đội nhì có thành tích xuất sắc nhất. Trong ngày mà bóng đá Việt Nam đi vào lịch sử thì một bộ phận các cổ động viên quá khích lại có hành vi tấn công tài khoản facebook của trọng tài Ali Sabah, người điều khiển trận UAE với Việt Nam. Lý do của việc tấn công mạng này là vì vị trọng tài người Iraq đã từ chối quả phạt đền của Việt Nam khi Công Phượng bị phạm lỗi, trong khi trước đó, trong hiệp 1, trọng tài Ali Sabah đã cho chủ nhà UAE hưởng quả phạt đền. Các cổ động viên quá khích của Việt Nam đã tràn vào facebook cá nhân của ông Ali Sabah để bình luận những lời khó nghe, thậm chí vị trọng tài người Iraq còn bị dọa giết.

Trên trang cá nhân, ông Ali Sabah viết: “Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Tôi chịu trách nhiệm trước luật pháp, nhưng không hiểu vì lý do gì họ chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi. Tôi cần cơ quan pháp luật giúp giải quyết việc này”.

Trước ông Ali Sabah, trọng tài Ahmad Alali (Kuwait), người điều khiển trận Việt Nam với Indonesia cũng bị “ném đá” dữ dội vì bỏ qua một số lỗi cầu thủ Indonesia đá xấu với các cầu thủ Việt Nam. Trước sự tấn công dữ dội của các cổ động viên quá khích từ Việt Nam, trọng tài Ali Sabah tạm khóa tài khoản. Sau đó, nhiều tài khoản ảo mang tên trọng tài Ali Sabah được một số đối tượng lập ra để “câu tương tác và theo dõi” cũng có hàng trăm, hàng nghìn bình luận vào chửi bới.

Đây không phải là lần đầu tiên các cổ động viên quá khích Việt Nam có hành vi chửi bới, "tấn công" trên mạng xã hội. Năm 2013, khi trọng tài Cuneyt Cakir rút thẻ đỏ với Nani của MU trong trận đấu với Real Madrid tại Champions League, các cổ động viên quá khích của MU ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới tràn vào trang cá nhân của vị vua áo đen này chửi bới, dọa giết. Tâm lý đám đông và phát ngôn thiếu văn hóa của các cổ động viên quá khích Việt Nam gây phản cảm với người hâm mộ bóng đá khu vực và châu lục. Một số báo tờ báo ở Ả Rập cũng lên án hành động xấu xí này.

Những năm qua, bóng đá Việt Nam đang có những bước tiến lớn, nhưng ý thức của một bộ phận các cổ động viên Việt Nam lại đang đi xuống. Những cổ động viên quá khích này đang làm mất hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế bởi những hành động kém ý thức, những lời nói ác ý và thiếu văn minh trên không gian mạng.

Thời đại 4.0, đặc biệt là khi dịch bệnh tràn đến thời gian tiếp xúc với máy tính của trẻ em chiếm đa số. Mạng trở thành công cụ để con người ta giao tiếp, tìm hiểu thông tin và thậm chí thể hiện sự phẫn nộ với bất kỳ ai. Những cuộc chiến chửi bới, xúc phạm vì thế mà được tạo nên. Với người trẻ, câu nói thiếu văn hóa, lăng mạ trọng tài quốc tế lại không được cho là thiếu văn minh mà là thể hiện tình yêu nước, thể hiện dân chủ trong phát ngôn. Không ai giáo dục hay ngăn cản họ làm những hành động đó.

Sau sự việc, rất nhiều người nói rằng hàng nghìn comment bất lịch sự với các trọng tài quốc tế không phải đại diện cho hơn 90 triệu người Việt, nên không thể đánh giá môi trường mạng đang bị ô nhiễm, chỉ số văn minh trên internet của người Việt còn rất kém. Hàng nghìn comment đó là rác thải làm ô nhiễm môi trường mạng, nó khiến môi trường ấy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống chung của hàng triệu người khác, chính vì vậy rất cần được xóa bỏ.

Theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: “Việc dọn rác trên môi trường mạng là công việc của toàn xã hội. Từ những người cha, người mẹ cho đến ngành giáo dục, cơ quan chức năng. Chúng ta phải khắt khe hơn về vấn đề văn minh trên không gian mạng. Cha mẹ hãy luôn giám sát, kiểm soát cách con cái họ sử dụng mạng xã hội, hướng dẫn, định hướng cho con cái cách sử dụng mạng xã hội đúng cách. Các trường học phải tổ chức nhiêu hơn nữa các tiết học về văn minh trên mạng xã hội. Không ai yêu nước bằng những câu chửi cả”.