Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô Chử Mạnh Hùng cho biết, ngày 13/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 173/HĐBT về việc phân vạch địa giới một số phường và thị trấn thuộc TP Hà Nội. Theo quyết định trên, thị trấn Nghĩa Đô bao gồm: đất của xã Nghĩa Đô, trường Nguyễn Ái Quốc T.Ư, Viện Khoa học xây dựng và Bệnh viện E...
Đến năm 1992, sau khi thị trấn Nghĩa Tân được thành lập trên cơ sở chia tách từ thị trấn Nghĩa Đô, địa giới hành chính của Nghĩa Đô có diện tích 130ha, dân số 12 nghìn người; phía Đông giáp phường Bưởi, phía Tây Bắc giáp xã Xuân La (nay là phường Xuân La thuộc quận Tây Hồ), phía Nam giáp thị trấn Nghĩa Tân và xã Dịch Vọng (nay là phường Nghĩa Tân và phường Dịch Vọng), phía Đông giáp phường Cống Vị quận Ba Đình. Năm 1997, sau khi quận Cầu Giấy được thành lập, thị trấn này đã chính thức chuyển thành phường Nghĩa Đô.
Với ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, phường Nghĩa Đô đã đạt được kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Từ một thị trấn nhỏ có hơn 1 vạn dân, đến nay Nghĩa Đô đã trở thành phường đô thị với dân số trên 3,5 vạn người.
Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật trong các khu dân cư, nhất là hệ thống đường, thoát nước, các thiết chế văn hóa như vườn hoa, sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng góp phần cải thiện nâng cao điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của Nhân dân. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn phường đã chuyển hẳn sang thương mại, dịch vụ, thu nhập và mức sống của người dân trong phường được nâng cao.
Hàng năm, phường Nghĩa Đô đóng góp từ hoạt động kinh tế trên địa bàn vào ngân sách Nhà nước tăng trưởng trung bình hơn 10%. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được quan tâm, đẩy mạnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường được đảm bảo ổn định; công tác cải cách hành chính được coi trọng, nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành hướng tới việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Cũng tại hội nghị, UBND phường Nghĩa Đô đã tổng kết phong chào thi đua người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; báo cáo kết quả triển khai thực hiện 3 mô hình thi đua chào mừng kỉ niệm 25 năm ngày thành lập quận Cầu Giấy – một trong những điểm sáng trong năm 2022 của phường Nghĩa Đô gồm: Đẩy mạnh xã hội hóa hệ thống camera an ninh tại các tổ dân phố trên địa bàn phường; Phát động, ủng hộ sách các đơn vị đã ủng hộ đầu sách và xã hội hóa xây dựng được 20/23 tiểu thư viện – tủ sách cơ sở; Xây dựng trang thông tin “UBND phường Nghĩa Đô” (trên mạng xã hội zalo) và kết nối đến từng hộ gia đình trên địa bàn phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến thay mặt Quận ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ quận trân trọng ghi nhận những thành tích, kết quả mà Nhân dân phường Nghĩa Đô đã đạt được trong phong trào thi đua của phường, đóng góp vào sự phát triển chung của quận Cầu Giấy.
Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến mong muốn, trong thời gian tới, phường Nghĩa Đô phấn đấu duy trì nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư. Đảm bảo 100% đơn thư thuộc thẩm quyền được giải quyết đúng hạn, không để tồn đọng. Quán triệt và tăng cường kỉ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức phường. Tổ chức hiệu quả công tác tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường cho các đối tượng.
Tập trung giám sát, phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè. Triển khai các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… nhằm phát triển phường Nghĩa Đô nói riêng và quận Cầu Giấy ngày càng phát triển bền vững.