Nghịch cảnh của rối Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2013, doanh thu của Nhà hát Múa rối Thăng Long là 46 tỷ đồng, nhưng doanh thu của Nhà hát Múa rối Việt Nam lại khiêm tốn hơn nhiều lần.

Khách nước ngoài háo hức xem múa rối, còn khán giả Việt lại chưa mặn mà… Rất nhiều câu hỏi liên quan đến tương lai của múa rối Việt được đặt ra trong Ngày Sân khấu thế giới tại Việt Nam.

“Ăn nên làm ra”

Cách đây 10 năm, nhắc đến múa rối Việt Nam, hình ảnh bao trùm sẽ là vẻ đìu hiu vắng khách. Ngoài Nhà hát Múa rối Thăng Long đi trước thời đại, gắn biểu diễn với tour du lịch, các nhà hát múa rối khác và 28 phường rối dân gian gần như ngừng hoạt động. Nghệ nhân bỏ múa rối để đi cấy, thậm chí rời quê tìm kế mưu sinh, nghệ sĩ của các nhà hát buồn vì đa phần công chúng Việt nghĩ múa rối là trò trẻ con. Nói như NSƯT Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, thời đó, nghệ sĩ gọi nghề múa rối là cái nghề "vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên".

 
Tiết mục rước Thành Hoàng Làng do các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn.     Ảnh: Hoàng Tuấn
Tiết mục rước Thành Hoàng Làng do các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn. Ảnh: Hoàng Tuấn
Tuy nhiên, khi công nghệ giải trí của Á, Âu tràn vào Việt Nam, tạo nên hiện tượng bão hòa thì múa rối lại lên ngôi. Nhà hát Múa rối Thăng Long đoạt kỷ lục "Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm". Mỗi ngày 4 suất diễn liên tiếp từ 15 - 22 giờ, Nhà hát lúc nào cũng nườm nượp khách Pháp,  Nhật, Italia, Mỹ… mua vé đón xem. Cùng với đó, vào mỗi dịp 1/6 hoặc Tết Trung thu, Nhà hát Múa rối Việt Nam đạt 80 - 120 suất diễn trong vòng nửa tháng. Và theo quan sát của NSƯT Nguyễn Tiến Dũng: "Thời gian gần đây, các nhà hát và đoàn múa rối địa phương cũng hoạt động nhộn nhịp không kém các đơn vị nghệ thuật lớn". Đặc biệt, trong đợt lưu diễn tại Pháp và Italia thời gian gần đây, hơn 10 trò diễn cổ xưa của rối nước như: Tễu giáo đầu, vật cờ, tứ linh, múa sư tử, chăn vịt… lấy được lòng bạn bè quốc tế. Múa rối Việt bỗng chốc được ưa thích và quảng bá rầm rộ. Múa rối ăn nên làm ra.

Nhìn về tương lai và… buồn

Đang ở thời kỳ làm ăn thịnh vượng, nhưng Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long Nguyễn Hoàng Tuấn lại trầm ngâm: "Khá nhiều khách nước ngoài đến xem chương trình biểu diễn ở Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chia sẻ với tôi rằng, lần nào tới cũng được xem những tiết mục giống lần trước". Nguyên nhân cũng bởi múa rối Việt nghèo trò diễn. Sân khấu múa rối đang đứng trước tình trạng cạn kiệt nhân lực: Thiếu người biên kịch chuyên nghiệp, thiếu đạo diễn, họa sĩ tạo hình và thiếu đào tạo diễn viên một cách bài bản, chuyên nghiệp. Điển hình là từ nhiều năm nay, loại hình múa rối cạn không có thêm một đạo diễn nào. Chính vì thế mà các tiết mục, chương trình múa rối hiện nay đa phần là những tích trò cũ, giống nhau từ nội dung, tạo hình con rối đến xử lý âm thanh.

Phân tích nguyên nhân múa rối nghèo trò, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao cho rằng: "Hiện nay, Việt Nam chưa có một đơn vị nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu nào về múa rối". Trong khi nghệ thuật múa rối mang đặc trưng riêng, nhưng các đạo diễn, nhà viết kịch, diễn viên lại được đào tạo chung với đội ngũ nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình sân khấu truyền thống khác (kịch nói, chèo, tuồng…), như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa cần thiết.

Phải thừa nhận, thời gian gần đây, để "chữa cháy" tình trạng nghèo nàn của các trò rối, các nghệ sĩ đã thử nghiệm đưa hơi thở đời sống vào các tích rối dân gian. Các nghệ sĩ, đặc biệt NSND Nguyễn Thùy Trang (Nhà hát Múa rối Việt Nam) nhấn mạnh: "Chúng ta cần cải biên nâng cao nghệ thuật múa rối dựa trên chất liệu dân gian; nên cải tiến kỹ thuật điều khiển con rối cho phù hợp nghệ thuật biểu diễn, cần tạo hành động con rối diễn tự nhiên, phong phú, mang sức sống hiện thực sinh động". Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp trước mắt, nói như Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam Ngô Thanh Thủy: "Mọi sản phẩm nghệ thuật muốn tồn tại bền vững thì phải có nội lực mạnh mẽ, từ đó, vươn ra cạnh tranh trên toàn cầu". Múa rối muốn bền lâu trên con đường tìm và giữ khán giả phải biết lấp đầy khoảng trống nhân lực hiện nay. Có như thế, múa rối mới có tương lai bền lâu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần