Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý giá sữa ở Việt Nam: Cơ quan quản lý bó tay?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm 2013 đến nay, giá sữa được các DN sản xuất, phân phối liên tục tăng. Người dân thì khốn khổ khi phải chạy đua theo giá, còn các cơ quan quản lý chỉ biết đứng nhìn một cách bất lực.

Giá sữa tăng tùy tiện

Từ 1/8, một số DN phân phối sữa dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thêm 10%. Nếu giá sữa tăng tiếp thì đây là lần thứ 5 tính từ đầu năm đến nay giá mặt hàng này được điều chỉnh tăng với mức tăng thêm từ 10 - 15% tùy loại, có loại tăng giá đến gần 20%... Lạ kỳ là trong khi giá nguyên liệu sữa không tăng, giá sữa ở các nước vẫn bình ổn, nhưng giá sữa ở Việt Nam không những không giảm mà lại liên tục tăng. Sữa tăng giá bất thình lình, vô tội vạ. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc. "Giá sữa liên tục tăng trong khi thu nhập của vợ chồng tôi dù có cố gắng cũng không thể đáp ứng nhu cầu sữa cho con. Chỉ còn cách là cho con uống ít lại chứ cứ đà tăng giá này thì khó mà kham nổi" - chị Thu Nga ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở.

Nghịch lý giá sữa ở Việt Nam: Cơ quan quản lý bó tay? - Ảnh 1
 
Lựa chọn sản phẩm sữa tại siêu thị Hapro Giảng Võ.Ảnh: Việt Linh
 
Người tiêu dùng còn choáng váng hơn khi biết, giá sữa bột mỗi nơi bán một giá, cùng một dòng sản phẩm nhưng lại chênh nhau đến vài chục ngàn/hộp.  Theo đó, giá sữa tại các siêu thị lớn luôn có xu hướng cao hơn so với giá bán của các đại lý, cửa hàng. Giá sữa bột hộp 400g của các cửa hàng, đại lý có thể thấp hơn so với siêu thị nhỏ từ 10.000 - 25.000 đồng/hộp; loại 900g có thể chênh từ 30.000 - 50.000 đồng/hộp so với các siêu thị lớn. Đặc biệt một số sản phẩm có khối lượng từ 1,5 - 1,7 kg còn chênh lệch giá đến 80.000 - 90.000 đồng/hộp. Trước động thái "mặc sức tung hoành" của giá sữa, dư luận đặt câu hỏi liệu cơ quan quản lý Nhà nước có buông lỏng quản lý?

Chưa sử dụng luật pháp để can thiệp

Theo giới chuyên môn, giá sữa liên tục tăng rất cần được xem xét, nghiên cứu cẩn trọng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Đăng Vang - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho biết, đến nay, chưa có một điều tra, nghiên cứu nào một cách chính thức, toàn diện về thị trường sữa, từ cấu trúc thị trường, cách thức phân phối đến cơ cấu giá thành, lợi nhuận. Nói chung, chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về thị trường này để làm căn cứ cho việc vận dụng luật. Vì vậy, với tình trạng mù mờ như hiện nay dù có áp dụng biện pháp hành chính buộc doanh nghiệp kê khai, đăng ký giá thì cơ quan Nhà nước cũng không có cơ sở chắc chắn để biết như vậy là hợp lý chưa. Vì vậy, DN rất dễ qua mặt các cơ quan quản lý. 

Trong khi đó, nhiều dòng sản phẩm sữa bột cùng loại bán tại Trung Quốc thời điểm này lại đang giảm mạnh. Lý do khiến giá sữa bột tại thị trường Trung Quốc giảm là do phía Chính phủ nước này mới đây đã khởi động chương trình điều tra giá sữa bột của nhiều DN.

Tại Việt Nam, 4 cơ quan Nhà nước được phân công quản lý mặt hàng sữa là: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Bộ KH - CN chịu trách nhiệm về chất lượng; Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) kiểm soát về giá; Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có nhiệm vụ hậu kiểm các loại sữa lưu hành trên thị trường… Để phục vụ cho việc quản lý đã có hàng loạt những văn bản pháp quy như: Luật, nghị định, thông tư, các quy chuẩn kỹ thuật… về sản phẩm sữa đã được ban hành. Đầu tháng 4 vừa qua, người tiêu dùng đã khấp khởi khi các bộ, ngành tuyên bố vào cuộc bình ổn giá sữa. Ấy thế nhưng, đến nay người tiêu dùng vẫn phải hứng chịu sự tăng giá vô lý của thị trường này.

Tại bàn tròn trực tuyến xoay quanh các vấn đề về sữa với sự tham gia của một số cơ quan chức năng mới đây, cơ quan quản lý nào cũng có lý lẽ riêng, họ vẫn cho là đã làm tốt nhiệm vụ của mình… Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận: "Tôi cho rằng, chúng ta đang quản lý giá sữa theo kiểu "đánh trống bỏ dùi". Các cơ quan quản lý chỉ khi thấy giá sữa trên thị trường tăng mới dòm ngó đến nhưng lại không đưa ra được biện pháp cụ thể nào. Văn bản quản lý giá có ban hành nhưng không đem lại tác dụng gì". Có thể nói, "quả bóng trách nhiệm" đang được các bên liên quan đá đi đá lại?". Kết quả, người tiêu dùng đang bị "móc túi" dài dài...