Nghịch lý: Nguồn cung bất động sản giảm nhưng hàng tồn kho tăng

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng về nguồn cung bất động sản (BĐS) và lượng giao dịch của các địa phương từ quý I đến quý IV/2020 cho thấy, tổng quan số lượng BĐS đủ điều kiện đưa vào kinh doanh chưa được hấp thụ trong năm 2020 tương đối lớn. Trong khi đó nguồn cùng mới toàn thị trường tiếp tục giảm sút.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý I/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn. Trong quý II và quý III, do tác động ảnh hưởng tiêu cực của tình hình đại dịch Covid-19 cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách… đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, do đó nguồn cung BĐS trong giai đoạn này không có sự gia tăng đáng kể. Mặt khác trong thời gian này, thị trường vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt, được cho là an toàn và lượng giao dịch vẫn khá tốt. Vì vậy số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch tính đến hết quý III ước tính vào khoảng gần 6.000 căn.
Thị trường BĐS còn lượng hàng tồn kho tương đối lớn.
Đáng chú ý, lượng cung mới sản phẩm chủ yếu tập trung ở những địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương... Trong khi các tỉnh, TP và đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, như: Cần thơ, Long An, Đồng Nai... cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
“Sang quý IV/2020, thị trường được bổ sung thêm khoảng gần 30.000 sản phẩm, đồng thời lượng giao dịch trong quý IV vẫn khá ổn định. Do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV ước tính khoảng gần 3.000 căn. Tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Số liệu thống kê khác từ Hội môi giới BĐS Việt Nam chỉ ra nghịch lý rằng, hàng tồn kho gia tăng nhưng nguồn cung mới sản phẩm trên thị trường lại có sự giảm sút mạnh so với những năm trước đây. Đơn cử ở thị trường Hà Nội, tổng căn hộ  mới chào bán trên thị trường năm 2020 đạt 16.350 sản phẩm, giao dịch 4.350 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ đạt 26,6%. Lượng cung mới chào bán năm 2020 chỉ bằng 47,8% so với năm 2017; 41,8% so với năm 2018 và 72,6% so với năm 2019; Tương tự ở TP Hồ Chí Minh, tổng căn hộ  mới chào bán trên thị trường năm 2020 đạt 21.312 sản phẩm, giao dịch 13.043 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ đạt 61,2%. Lượng cung mới chào bán năm 2020 chỉ bằng 47,5% so với năm 2018 và 84,9% so với năm 2019.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2021, nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn, đồng nghĩa một số ngành kinh tế khác sẽ hồi phục. Một phần nhóm đầu tư ngắn hạn vào thị trường BĐS sẽ quay trở lại thị trường truyền thống của mình, sẽ giúp cho tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trên thị trường tốt hơn. “Năm 2021, các dự án đang bị vướng mắc trong quy định pháp luật sẽ được tháo gỡ nhiều phần. Do đó, nguồn hàng cả nước sẽ tăng mạnh so với năm 2020. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà tăng trở lại, dự báo sức cầu của nhóm này sẽ đạt 70% lực cầu” – Chủ tịch Hội môi giới BĐS Nguyễn Văn Đính nhận định.