Doanh nghiệp SME mong được vay tín chấp
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Hà Nội Đặng Thị Hương, DNNVV (SME) được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, khác. Song, sức hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng…
“Nguồn lực của DN bị cạn kiệt dẫn tới việc các DN không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng”- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, DN mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.
"Về điều kiện cho vay, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản. Bên cạnh đó, DN muốn vay được vốn ngân hàng, cần phải cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên" - ông Mạc Quốc Anh đề xuât.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hà Đô Nguyễn Trọng Minh cho rằng, lãi suất hạ không quan trọng bằng việc vốn được bơm vào nền kinh tế. Để nền kinh tế nói chung, các DN nói riêng hấp thụ được nguồn vốn rẻ đòi hỏi phải có tiếng nói chung giữa ngân hàng và DN.
Nhận diện một số khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại cuộc họp mới đây giữa ngành ngân hàng với khối DN trên địa bàn Hà Nội mới đây, khối DN nhỏ cho rằng, hiện vẫn còn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó có nguyên nhân về thủ tục vay vốn, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn vay của DN còn khiêm tốn...
Đại diện các DN cũng kiến nghị ngành ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.
Ngân hàng chữa bệnh “thừa tiền”
Thời gian qua, Hiệp hội DNNVV đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội và các ngân hàng trên địa bàn để liên tục triển khai các cuộc trao đổi giữa ngân hàng - DN để tháo gỡ khó khăn. Qua các chương trình kết nối, các DN trên địa bàn đã được vay với số tiền là 553.000 tỷ đồng.
8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội đạt 10,6%, gấp đôi so với tín dụng của nền kinh tế.
Không chỉ tại Hà Nội, hàng loạt hội nghị kết nối ngân hàng - DN được NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai cho thấy ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các hội nghị kết nối ngân hàng - DN là dịp để ngành ngân hàng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, trên cơ sở đó kịp thời có phương án xử lý, tháo gỡ. Để hóa giải bài toán khó trong tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, một trong những vấn đề tiếp tục được đặt ra tại các hội nghị này là đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa ngân hàng và DN.
Với mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được ngân hàng cắt giảm so đầu năm nay, mức giảm 1-3% đối với DN và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân. Thậm chí, một số ngân hàng còn tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 7-8%/năm (thấp hơn cả lãi suất huy động) trong thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm. Vì thế, tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2023.
Theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng, trước bối cảnh thị trường còn có những khó khăn nhất định hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi DN khó khăn. Do đó, giải pháp trước hết là phải kích cầu sức mua, tiếp tục giảm lãi vay... thì ngân hàng mới chữa được bệnh “thừa” tiền.
Ngành ngân hàng cần tiếp tục mở rộng lĩnh vực được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, nới lỏng một số điều kiện vay, nhất là tài sản bảo đảm. Đồng thời, NHNN có động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thúc đẩy triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, tiếp tục cho vay mới, từ đó tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của các DN.
Có như vậy, nguồn vốn mới thực sự đi vào nền kinh tế và giải quyết được bài toán thiếu vốn, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất của các DN trong thời điểm hiện nay.
Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó phải kể đến việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DN. "Cục máu đông" làm nghẽn mạch này rất cần được sớm khai thông. Một khi nguồn vốn ngân hàng được tiếp cận thông thoáng hơn nhờ tháo gỡ các vướng mắc, chắc chắn số DN được thành lập và hoạt động sẽ nhiều hơn, khi đó "mạch sống" mới lưu thông, hết nghẽn. (PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)