6 năm chưa hoàn thành
Được đánh giá là một trong những khu công nghiệp (KCN) lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, KCN Quán Ngang được thành lập năm 2008 với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 321ha, gồm 3 giai đoạn. Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh Quảng Trị được giao thực hiện việc xây dựng và phát triển hạ tầng KCN này.
Đến nay, KCN đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy, xí nghiệp và đã có 17 cơ sở (với tỷ lệ lấp đầy trên 83%) đang hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, trải qua 15 năm nay, KCN này vẫn không có nhà máy xử lý nước thải tập trung theo quy định về xây dựng KCN.
Để đảm bảo KCN hoạt động theo đúng pháp luật về môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị giao BQL KKT phối hợp Sở TN&MT tỉnh, UBND huyện Gio Linh và các ngành chức liên quan kiểm tra, đôn đốc các cơ sở trong KCN xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam trước khi thải ra bên ngoài.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Trị giao BQL KKT tỉnh làm chủ đầu tư dự án gần 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN này. Dự án gồm các hạng mục hệ thống thoát nước thải sau xử lý dài gần 6,5km, tuyến ống thu gom nước thải hơn 4,3km và nhà máy xử lý nước thải với 2 phần chính là xây dựng và lắp đặt thiết bị, máy móc.
Dù được khởi công xây dựng từ năm 2017 và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020 nhưng đến giờ này dự án vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhiều hạng mục như nhà lắp đặt thiết bị, máy móc và vận hành, các bể chứa bằng bê tông… được xây dựng hoàn thành giờ này đã có dấu hiệu ngả màu, gỉ sét.
Ông Trương Khắc Nghi, Phó trưởng BQL KKT tỉnh Quảng Trị cho biết: Khi xây dựng pháp luật liên quan chưa bắt buộc phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, đến khi công trình sắp hoàn thành thì quy định này ra đời nên chủ đầu tư bắt buộc phải bổ sung. Thiết bị này phải đặt từ nước ngoài về, chỉ cần lắp đặt là xong. Dự kiến giữa năm 2023 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Đến thời điểm này, do công trình xử lý nước thải KCN chưa hoàn thiện nên lượng nước thải phát sinh của toàn KCN (khoảng 690m3/ngày đêm) do các cơ sở trong KCN tự xử lý trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước mưa của KCN, chảy ra sông Thạch Hãn.
Trong chờ đợi thì đã xảy ra một số sự cố môi trường, đơn cử năm 2015 - 2019 nhà máy bột cá tại KCN Quán Ngang gây hôi thối vào khu vực dân cư. Năm 2021 cá chết bất thường trong các ao hồ xung quanh KCN hoặc nhiều vụ lúa mất mùa do xả thải từ KCN này gây ra.
Nhiều lo ngại
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 KCN đang hoạt động, gồm KCN Nam Đông Hà, KCN Quán Ngang, KCN Tây Bắc Hồ Xá và 14 CCN khác trên địa bàn.
Trong khi đó, báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 của Sở TN&MT Quảng Trị thì do khó khăn về kinh phí nên hiện nay hầu hết các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 và khoản 2, 3 Điều 52 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Các CCN đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Thế nhưng, hiện tại 14 CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa có CCN nào được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, quan trắc tự động.
Thống kê cho thấy, tại KCN Nam Đông Hà tổng lượng CRT phát sinh là 4,4 tấn/ngày (tương đương hơn 1.600 tấn/ năm), KCN Quán Ngang là 23 tấn/ ngày (tương đương gần 8.400 tấn/năm) và KCN Tây Bắc Hồ Xá là 1,1 tấn/ngày (tương đương trên 401 tấn/năm). Chưa kể, hàng tấn chất thải rắn nguy hại phát sinh hàng năm tại các KCN và CCN.
Theo Sở TN&MT Quảng Trị, chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trong toàn tỉnh năm 2022 khoảng trên 25.400 tấn. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị chưa có cơ sở xử lý riêng chất thải rắn công nghiệp thông thường. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt chất thải rắn trên địa bàn cùng với chất thải rắn sinh hoạt.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MTQuảng Trị cho biết: Nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên nhiều điểm ô nhiễm môi trường gây bức xúc trên địa bàn nhưng chưa được xử lý triệt để. Một số KCN, CCN đã được xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhưng đến nay hầu hết vẫn chưa có KCN, CCN nào được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Có thể thấy, dù chưa gây ra những hệ lụy về môi trường lớn nhưng việc thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương cũng như môi trường sinh thái bền vững xung quanh các KCN, CCN.