Nghịch lý thu tăng, giải ngân lại thấp

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp báo kết quả công tác trọng tâm 2016 ngày 14/12, đại diện Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho hay, đến ngày 30/11, việc kiểm soát chi với công tác đầu tư xây dựng cơ bản mới chỉ đạt 64,3% kế hoạch.

Để đẩy mạnh giải ngân cho các dự án đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP với nhiều giải pháp gỡ vướng quan trọng.

Huy động vốn đạt 99,9% kế hoạch

Theo báo cáo của KBNN, đến hết ngày 7/12/2016, tổng khối lượng huy động đạt 281.294,09 tỷ đồng; bằng 99,9% kế hoạch năm. Thời gian qua, KBNN thực hiện phát hành đa dạng các loại kỳ hạn Trái phiếu Chính phủ từ 3 năm đến 30 năm (trong đó, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn từ 5 năm trở lên) nhằm kéo dài kỳ hạn trung bình trái phiếu. Đồng thời, giảm áp lực trả nợ cho ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc trao đổi với các thành viên thị trường được thực hiện thường xuyên để nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.

Nghịch lý thu tăng, giải ngân lại thấp - Ảnh 1
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Về công tác kiểm soát chi NSNN, tính đến ngày 30/11/2016, chi thường xuyên qua hệ thống KBNN kiểm soát đạt 659.386 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng) bằng 78,8% dự toán năm. Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên, các đơn vị KBNN phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 26.396 khoản chưa đủ thủ tục, số tiền thực từ chối thanh toán là 24,6 tỷ đồng. Các khoản chi mà KBNN từ chối thanh toán phần lớn do hồ sơ không đảm bảo đủ điều kiện.
Chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp
Cũng theo số liệu công bố, đến ngày 30/11, hệ thống KBNN kiểm soát chi đạt 217.507,9 tỷ đồng, bằng 64,3% so với kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2015, lũy kế vốn đầu tư giải ngân đạt 68,1% kế hoạch vốn đề ra.
Nguyên nhân công tác giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp theo Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Vũ Đức Hiệp, là do tiến độ triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, thủ tục đầu tư, xây dựng còn phức tạp; Văn bản hướng dẫn luật và nghị định về đầu tư còn bất cập. Công tác GPMB và bố trí vốn đối ứng các dự án chưa đáp ứng yêu cầu; Công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt và còn nhiều bất cập; Hồ sơ thanh toán vốn đầu tư còn rườm rà. Ngoài ra, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công nên còn nhiều vướng mắc trong triển khai.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này, ngày 8/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Sau Nghị quyết 60, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã tăng khá mạnh.
Ông Hiệp cũng cho hay, với các dự án giao thông có những đặc thù nhất định. Khi triển khai dự án buộc phải có quy trình kỹ thuật nên trong suốt quá trình thực hiện chủ đầu tư chỉ được tạm ứng 1 phần vốn theo ký kết  là  30% hay 50%. Đối với phần vốn đối ứng của các dự án này, từ năm 2015 trở lại đây, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể, dự án giao thông có vốn ODA chỉ được kiểm soát giải ngân trong phạm vi dự toán Quốc hội phê duyệt.
Về hướng giải ngân vốn trong thời gian tới, phía KBNN cho biết, sẽ bám sát tiến độ các dự án. Đặc biệt dự án vướng mắc GPMB thì yêu cầu địa phương vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài ra KBNN cùng chủ đầu tư, xác định số liệu tới thời điểm nhất định, đối chiếu làm sao nếu giải ngân không hết thì phải điều chỉnh ngay cho chỗ khác.

“Thời gian qua, KBNN triển khai thanh toán một số khoản chi bằng thẻ chi tiêu công tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công thực hiện còn khá dè dặt”, ông Nguyễn Mạnh Cường - Chánh Văn phòng KBNN đưa ra, đối với chi thường xuyên.