Nghiêm túc làm rõ thông tin “cả họ làm quan” tại Mỹ Đức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 29/9, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã có buổi trao đổi cụ thể, thẳng thắn với báo chí liên quan đến thông tin “cả họ làm quan” đang được dư luận quan tâm tại huyện Mỹ Đức.

Cần sự nhìn nhận khách quan

Theo ông Đào Đức Toàn, trong nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế – xã hội của huyện Mỹ Đức đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là hoạt động của lễ hội chùa Hương dần đi vào nền nếp, được du khách đánh giá cao. Trong công tác chỉ đạo, tổ chức đại hội cấp cơ sở của Đảng bộ huyện vừa qua được thực hiện bài bản, kỹ lưỡng nên 52 Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc huyện đều đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, đến Đại hội Đảng bộ huyện Mỹ Đức nhiệm kỳ 2015 – 2020 có biểu hiện cục bộ, vùng miền, nên một số chức danh chủ chốt được phê duyệt trong đề án nhân sự như: Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Uỷ ban MMTQ huyện không trúng cấp ủy khóa mới. Điều này gây nên những dư luận không tốt tại địa phương.
Nghiêm túc làm rõ thông tin “cả họ làm quan” tại Mỹ Đức - Ảnh 1
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đào Đức Toàn chủ trì buổi trao đổi với báo chí sáng 29/9 .
Trước khi báo chí thông tin việc họ hàng của một số đồng chí lãnh đạo huyện được bố trí vào nhiều vị trí ưu ái, Thành ủy cũng đã nhận được phản ánh và chỉ đạo Mỹ Đức nghiêm túc xem xét, làm rõ. Nhận thức được vấn đề, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiểm điểm nghiêm túc, đồng thuận đề nghị TP tăng cường cán bộ chủ chốt về huyện. Trên cơ sở đó, mới đây, Phó Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Văn Hoạt, đã được điều động về làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy khẳng định: Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Thành ủy rất chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ với 180 cán bộ được luân chuyển và hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đều có cán bộ chủ chốt trong diện này. Hiện 17/30 địa phương có Bí thư hoặc Chủ tịch, thậm chí cả hai chức danh đều là cán bộ luân chuyển. Điều đó vừa thể hiện mong muốn nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường hiệu quả hoạt động ở cơ sở, vừa thực hiện tốt chủ trương của T.Ư về bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, góp phần hạn chế tình trạng quan hệ họ hàng trong các cơ quan Nhà nước.

Thực tế đã chứng minh, các cán bộ được luân chuyển đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, thậm chí một số đồng chí sau khi về cơ sở đã tâm huyết gắn bó lâu dài với địa phương.

Đề cập trở lại đến vấn đề báo chí nêu tại huyện Mỹ Đức, ông Đào Đức Toàn cho rằng cần phải nhìn nhận sự việc toàn diện, khách quan hơn. Bởi lẽ ở các nơi, cán bộ xã phần lớn là người địa phương và rất nhiều lãnh đạo trưởng thành từ cán bộ xã rồi lên huyện, nên việc một số người cùng quê, cùng dòng họ là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, công tác cán bộ cần xem xét cụ thể có đúng quy định, quy trình và nhất là tiêu chuẩn, năng lực không?

Đối chiếu theo đó, thấy rằng huyện Mỹ Đức không vi phạm đối với quy định những vị trí người thân không được nắm giữ. Hầu hết cán bộ được cho là họ hàng với lãnh đạo huyện đều đã công tác lâu năm, trưởng thành từ các đơn vị trực thuộc huyện.

Như trường hợp ông Lê Văn Sơn (chú họ Bí thư Huyện ủy Lê Văn Sang) từ năm 2005 đã làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, trong khi ông Sang mới làm Trưởng phòng Tài chính; bà Lê Thị Vĩnh (cô họ) đã có quá trình công tác hơn 30 năm, cũng làm Phó phòng Tài chính từ năm 2007; hay ông Lê Văn Sức cũng đã có gần 40 năm công tác, từ năm 2005 đã làm Phó phòng, đến 2012 mới được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Dân tộc.

Như vậy, không phải khi ông Lê Văn Sang giữ chức Bí thư mới bố trí những cán bộ này vào những vị trí chủ chốt. Đối với trường hợp con trai ông Lê Văn Sang là anh Lê Văn Trang (sinh năm 1983) hiện làm Bí thư Đảng ủy xã An Phú, so với độ tuổi cũng không phải quá trẻ, đã trải qua các vị trí công tác tại Chi cục thuế, Phòng Tài chính. Xã An Phú là xã khó khăn của TP, vấn đề tôn giáo cũng khá phức tạp, nên cũng không thể coi là ưu ái, thậm chí còn mang tính thử thách, rèn luyện cao.

Nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh

Với tinh thần nghiêm túc, nên ngay sau khi nắm bắt dư luận và thông tin trên báo chí, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập tổ công tác về làm việc với huyện, kiểm tra cụ thể hồ sơ lưu trữ, gặp gỡ trực tiếp anh Lê Văn Trang. Qua đó cho thấy, việc bổ nhiệm, bố trí công tác đảm bảo quy trình chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn. Hầu hết các cán bộ này đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về 6 trường hợp từ viên chức Ban quản lý danh thắng Hương Sơn về các cơ quan của huyện, việc điều chuyển nằm trong thẩm quyền của UBND huyện.

Theo lý giải, do lễ hội chùa Hương chỉ theo mùa, nên nhân lực thuộc Ban quản lý có lúc nhàn rỗi, mà hầu hết là cán bộ trẻ, có trình độ, nên sự tăng cường cho các đơn vị, đồng thời rèn luyện cán bộ cũng là hợp lý. Tuy nhiên, Thành ủy nhìn nhận, việc điều động phải đảm bảo tính khách quan, trong khi hầu hết cán bộ điều động đều là người thân các đồng chí lãnh đạo huyện là thiếu nhạy cảm. Bên cạnh đó, huyện cũng chưa xây dựng được tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng để lựa chọn, điều động cán bộ nên đã tạo dư luận không tốt. Đến nay, huyện đã chủ động rút 5 đồng chí biệt phái về Ban quản lý danh thắng.

“Thành ủy Hà Nội hoàn toàn tôn trọng, không hề áp đặt gì đối với Đề án nhân sự của Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức được xây dựng trên cơ sở quy hoạch, tín nhiệm của huyện. Tuy nhiên, do lãnh đạo huyện không sâu sát, không nắm bắt  tình hình kịp thời, nên kết quả Đại hội không thành công trọn vẹn và tạo ra dư luận không tốt, dẫn đến đơn thư phức tạp”, ông Đào Đức Toàn nói và cho biết, thậm chí trước ngày họp HĐND vừa qua để bầu Chủ tịch UBND mới, TP cũng nhận được phản ánh đồng chí Bí thư Huyện ủy còn chỉ đạo, vận động không bầu cho nhân sự TP giới thiệu.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy, đồng chí Nguyễn Văn Hoạt đã trúng cử với số phiếu tuyệt đối. Thành ủy yêu cầu Huyện ủy Mỹ Đức phải nghiêm túc kiểm điểm về công tác chỉ đạo, tổ chức Đại hội; kiểm điểm về việc bố trí cán bộ và nắm bắt tình hình, dư luận để có những biện pháp khắc phục cụ thể.