Nghiêm túc nghiên cứu tổ hợp môn lựa chọn lớp 10
Kinhtedothi – Thời điểm hiện tại, hầu hết học sinh 2K10 đã xác định được trường THPT mình sẽ theo học. Và có một nhiệm vụ mà học sinh nào cũng cần nghiêm túc đối diện, nghiên cứu, tìm hiểu trước khi đăng ký, đó là tổ hợp môn lựa chọn.
Chương trình học phân hóa năng lực
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nếu cấp tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản thì cấp THPT sẽ là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp hoặc thị trường lao động trong tương lai.
Cụ thể ở cấp THPT, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Tân học sinh Trường THPT Việt Đức lắng nghe thầy cô chia sẻ về chương trình giáo dục và các môn lựa chọn của nhà trường.
Bộ GD&ĐT quy định 6 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc mà mọi học sinh cấp THPT đều phải học và tham gia là: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục của địa phương và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Cùng với đó, các môn học lựa chọn gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Mỗi học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn nêu trên.
Ngoài ra, mỗi môn học (ngữ văn, toán, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thứ đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Lý thuyết là môn tự chọn sẽ do học sinh tự đăng ký dựa theo nhu cầu, sở thích và định hướng của bản thân nhưng thực tế, các trường sẽ chủ động xây dựng chương trình và tổ chức các lớp học theo hướng phân hóa, phân chia cụ thể các môn bắt buộc, môn lựa chọn và các cụm chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Thông thường, các lớp theo chương trình học phân hóa sẽ được công bố ngay khi tân học sinh nhập học lớp 10 để không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng nắm được để cùng trao đổi, thảo luận, phân tích… trước khi đăng ký và lựa chọn.
Chọn tổ hợp môn lựa chọn theo tiêu chí nào?
Do triển khai chương trình phân hóa dựa theo định hướng nghề nghiệp của từng học sinh, nên nhiều năm trở lại đây, ngoài việc gặp mặt chúc mừng tân học sinh khóa mới, các trường THPT còn thêm một nhiệm vụ quan trọng là giới thiệu về mô hình các lớp học, môn lựa chọn và cụm chuyên đề do nhà trường triển khai, tổ chức.
Các buổi gặp mặt này ngoài học sinh còn có sự tham gia của phụ huynh - những người đồng hành trên chặng đường học tập của các em. Không ít trường học còn tổ chức nhiều buổi gặp gỡ dành cho phụ huynh học sinh để giới thiệu kỹ hơn về mô hình lớp học của trường; giúp phụ huynh yên tâm, tin tưởng và động viên con nỗ lực trong học tập.

Phụ huynh và học sinh tham dự buổi giới thiệu mô hình học tập của Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm.
Tại các buổi gặp mặt này, đại diện nhà trường sẽ giới thiệu về các lớp học, các mô hình học tập do trường tổ chức; sau đó phát cho học sinh phiếu để đăng ký môn tự chọn và nhóm chuyên đề. Môn bắt buộc là học sinh nào cũng phải học còn môn lựa chọn là học sinh được quyền đăng ký dựa theo năng lực, sở thích, sở trường, định hướng nghề nghiệp của bản thân.
Các môn lựa chọn sẽ tương ứng với các chuyên đề lựa chọn và gắn bó mật thiết với định hướng nghề nghiệp trong tương lai và mỗi học sinh cần cố gắng giữ sự liền mạch, không nên thay đổi trong suốt 3 năm học. Muốn có được điều đó, đòi hỏi học sinh và phụ huynh phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, trách nhiệm để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Theo chia sẻ của các thầy cô, chọn tổ hợp môn lựa chọn ở cấp THPT được triển khai đã được 3 năm nhưng với phụ huynh có con mới vào cấp THPT thì vẫn rất mới mẻ. Nhiều phụ huynh cho biết, họ đau đầu vì chọn tổ hợp cho con hoặc cha mẹ, con cái tranh luận gay gắt vì con muốn chọn môn này, bố mẹ lại khuyên học môn khác.
“Em thích tự nhiên nhưng bố mẹ lại muốn em chọn môn xã hội và định hướng ban D. Nếu theo bố mẹ thì không phải sở trường, sở thích của em; còn nếu theo ý mình, em lo bố mẹ buồn, không ủng hộ và gây áp lực” - học sinh Nguyễn Mai Anh tâm sự.
Trong vai trò phụ huynh, chị Nguyễn Thị Liên, phường Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho hay: “Khi biết con trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngôi trường mơ ước, cả nhà vui mừng khôn xiết. Nhưng khi tìm hiểu về các tổ hợp môn lựa chọn, gia đình tôi rất bối rối, không biết nên chọn lựa theo tiêu chí gì bởi chương trình bây giờ khác xa chương trình chúng tôi học”.
Chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc chọn môn học lựa chọn là dựa theo năng lực, sở thích, sở trường, mong muốn của học sinh vì chỉ khi yêu thích và có thế mạnh về các môn học nào đó, học sinh mới hứng thú, hoàn thành tốt nội dung môn học, có lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn nhằm phát huy năng lực, sở trường của mình. Ở giai đoạn này, cha mẹ chưa cần ép con chọn ngành, nhưng có thể trao đổi để cùng con xác định thế mạnh học tập của mình, từ đó chọn tổ hợp phù hợp, đúng định hướng.
Được biết, từ 5/7, nhiều trường THPT tại Hà Nội đã tổ chức các buổi gặp gỡ phụ huynh, học sinh vừa trúng tuyển lớp 10 để giới thiệu mô hình giảng dạy của trường cũng như hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học. Các chương trình tương tự sẽ được các nhà trường tổ chức từ nay đến hết tháng 7/2025.

Hà Nội: những gương mặt đặc biệt xuất sắc tại mùa tuyển sinh lớp 10
Kinhtedothi - Tại mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 – 2026, Hà Nội có rất nhiều học sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng; trong đó có em xuất sắc trúng tuyển 6 chuyên, 6 nguyện vọng hoặc là thủ khoa của các khối chuyên/trường chuyên.

Đề thi và đáp án chính thức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội
Kinhtedothi - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố đề thi và đáp án chính thức 3 môn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên, năm học 2025 – 2026.