Nghiên cứu Hà Nội bằng niềm say mê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS Phan Huy Lê là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu...

Kinhtedothi - GS Phan Huy Lê là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” đợt đầu tiên năm 2010. Bước sang năm thứ 6 với vai trò công dân Thủ đô tiêu biểu, danh hiệu này vẫn là niềm vinh dự để ông luôn tâm niệm làm gì cũng nghĩ tới Thăng Long - Hà Nội.

 
Nghiên cứu Hà Nội bằng niềm say mê - Ảnh 1
Là người gốc Hà Tĩnh, nhưng GS.NGND Phan Huy Lê đã có 62 năm sống và lập nghiệp trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Dành chút thời gian giữa chuỗi công việc bận rộn đầu năm 2016 để trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: “Nghiên cứu Thăng Long – Hà Nội thấm vào máu thịt, thấm vào cả trái tim và khối óc của tôi vì không nơi nào trên mảnh đất Việt Nam có lịch sử phong phú, đa dạng như vậy. Từ những năm 1960, khi đang công tác ở Khoa Sử Địa của Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã liên kết với một nhóm bạn say sưa nghiên cứu tìm hiểu và khám phá về Hà Nội như: cố GS Trần Quốc Vượng, GS Vũ Tuân Sán, cụ Nguyễn Vinh Phúc, Trần Huy Bá, Nguyễn Tư Lành... Khi biết một tấm bia cổ, một bằng sắc hay một kiến trúc cổ mới được phát hiện, chúng tôi lại thông báo cho nhau và đến tận nơi để kiểm tra và nghiên cứu”.

Hà Nội như có chất xúc tác hút vị GS đáng kính này vào nghiên cứu một cách hứng thú, tình cảm, trách nhiệm. Có 2 kỷ niệm lớn trong nghiên cứu được GS Lê nhớ nhất, đó là phát hiện ra dấu tích của Hoàng thành Thăng Long năm 2003, đến năm 2008 xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới. Và đầu tháng 8/2010, Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cũng đúng dịp Đại lễ 1000 năm, GS Lê và các nhà sử học hoàn thành 2 tập bộ lịch sử mang tên Lịch sử Thăng Long Hà Nội dài hơn 2.000 trang, do ông chủ biên.
Nghiên cứu Hà Nội bằng niềm say mê - Ảnh 2
“Tôi rất xúc động dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội lại được TP trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú” của Thủ đô. Với tôi, đó là kỷ niệm sâu sắc và cũng là sự tôn vinh có tính chất biểu dương lớn” - GS Lê chia sẻ và cho rằng mình có nhiều năm gắn bó với Thủ đô, luôn có ý thức cống hiến cho “Thành phố Vì hòa bình” nhiều hơn nữa nhưng những việc làm được mới là nhỏ. Vì thế, cho đến bây giờ, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu Hà Nội. Hiện nay, GS Phan Huy Lê đang chủ trì bộ Quốc sử Việt Nam dài 25 tập. Trong công việc này, ông và những đồng nghiệp sẽ tô đậm hơn nữa vẻ đẹp, vị thế của Thăng Long – Hà Nội trong trường kỳ lịch sử của quốc gia. Có nghĩa là tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những thông tin mới trên nhiều phương diện. Để từ đó những trang sử viết về Thăng Long – Hà Nội được phản ánh một cách trung thực hơn, đầy đủ hơn và khách quan hơn; đồng thời tô đậm những vẻ đẹp của Thăng Long – Hà Nội và vị trí của nó trong lịch sử.

Trong niềm tự hào được sống ở Hà Nội – là kinh đô của nhiều triều đại và nơi tập trung rất nhiều di sản, GS Phan Huy Lê cũng có những trăn trở với TP trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững. Đặc biệt, trong việc Hà Nội mở rộng diện tích như hiện nay, có một vấn đề lớn đặt ra chính là văn hóa Thăng Long – Hà Nội được tích tụ trên ngàn năm. Theo GS, trong công tác quy hoạch, Hà Nội nên chú ý đến văn hóa để luôn giữ được cốt cách và bản sắc của mình. Hà Nội mở rộng nhưng văn hóa vẫn tiếp tục phát triển theo quy luật hội tụ sâu rộng và tỏa sáng nhiều hơn nữa để luôn giữ được vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến.