Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiện facebook: Bệnh không của riêng ai

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa có mã bệnh trên thế giới, chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu nhưng nghiện Facebook đã trở thành một căn bệnh đang len lỏi trong cuộc sống hiện đại.

Thậm chí, nhiều trường hợp đã phải đến bệnh viện để điều trị những hệ lụy gặp phải từ căn bệnh này. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến cáo, mỗi người dân cần tự mình kiểm soát việc sử dụng Facebook, mạng xã hội một cách hợp lý, có mục đích, hướng bản thân vào các hoạt động vui chơi giải trí khác.

Nửa đêm tỉnh dậy…vào Facebook

Hình ảnh những nhóm bạn trẻ vào quán ăn, nhà hàng nhưng mỗi người lại cắm cúi vào chiếc smartphone của mình là điều không hiếm gặp trong xã hội hiện đại. Nhiều người đã phải thừa nhận không thể sống thiếu Facebook với đủ lý do như để giao lưu kết nối với bạn bè, để có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ của mình và đơn giản chỉ là để… “giết” thời gian.

Ngày càng có nhiều người nghiện Facebook. Ảnh: Hải Linh

Chị Lê Thanh Thúy (23 tuổi, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng quần áo trên phố Bà Triệu, Hà Nội) chia sẻ, bản thân chị dành khá nhiều thời gian cho Facebook. Ăn cùng Facebook, giờ làm việc cũng sẵn sàng vào Facebook, thậm chí nửa đêm tỉnh dậy cũng phải vào Facebook chỉ để xem có ai “like” hay “comment”, hoặc bạn bè có cập nhật gì mới không. “Nhiều hôm nửa đêm vào Facebook là cứ cầm điện thoại lướt lướt cho đến sáng luôn” – chị Thúy thừa nhận.

TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, mặc dù chưa có bệnh nhân điều trị nội trú liên quan đến nghiện Facebook nhưng đã không ít người đến BV để tư vấn khi có các bệnh lý đồng diễn hoặc hậu quả của quá trình nghiện Facebook nói riêng cũng như nghiện mạng xã hội nói chung. Đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên. Thậm chí, cách đây khoảng 3 tháng, BV đã tiếp nhận và điều trị một học sinh nam 14 tuổi bị lên các cơ co giật sau khi bị gia đình cấm vào Facebook. Cùng với đó, các bác sĩ cũng tiếp nhận các bệnh nhi ngại giao tiếp thực tế, thường xuyên “sống ảo” với các mạng xã hội dẫn đến hội chứng hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác, mất ngủ triền miên, giảm sút hiệu suất công việc học tập. “Có người bệnh cứ đến chạng vạng tối là nghe thấy tiếng người thúc giục “vào Facebook đi”, “vào Facebook ngay”. Đây là những biểu hiện đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt” – TS Nguyễn Doãn Phương khẳng định.

Nhận biết sớm các dấu hiệu

Trưởng khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Lê Thu Hà cho biết, không chỉ ở nhóm học sinh, sinh viên mà bất kỳ ở độ tuổi, giới tính nào cũng có thể nghiện Facebook. Nghiện Facebook là dành thời gian quá nhiều cho việc sử dụng Facebook, gây ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống. Bác sĩ Lê Thu Hà khuyến cáo, khi thấy bản thân hoặc người thân, con em mình có các dấu hiệu nghiện Facebook sau thì cần đưa đến các chuyên khoa tâm thần để được tư vấn điều trị: Cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công, cảm thấy một sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều; Trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook; Sử dụng Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, đang học mà không có mục đích; Việc sử dụng Facebook làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập.

Bác sĩ Lê Thu Hà cho biết thêm, hiện nay chưa có phác đồ hay loại thuốc đặc trị đối với nghiện Facebook, chỉ có dùng thuốc khi bệnh nhân có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả từ nghiện Facebook gây nên như mất ngủ, trầm cảm, lên cơn co giật… Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người cần có kế hoạch sử dụng, vào Facebook hợp lý. Khi phát hiện bản thân hay người thân có tình trạng nghiện Facebook, mạng xã hội, cần có các biện pháp hạn chế sử dụng, tiếp xúc. Hàng ngày, người dùng có thể ghi lại khoảng thời gian đã vào Facebook để theo dõi và có hướng điều chỉnh kịp thời. Những trường hợp không điều chỉnh được có thể đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn kịp thời. Đối với trẻ em cần được tư vấn sử dụng mạng Facebook hiệu quả, hợp lý, có mục đích, hướng trẻ vào những hoạt động vui chơi giải trí khác.

Để kiểm tra bản thân có bị nghiện, lệ thuộc Facebook hay không, mỗi người có thể dùng thang đo nghiện được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy để tự kiểm tra.

- Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó?

- Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều.

- Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.

- Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công.

- Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook.

- Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/học tập của bạn.

Người trả lời mỗi câu hỏi trong thang từ 1 - 5 điểm tương ứng với các tần suất rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, và rất thường xuyên. Điểm số từ 24 điểm trở lên được xem là nghiện Facebook.