KTĐT - Ngoài những chức danh người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, người Việt đầu tiên sở hữu phi cơ riêng... ít ai biết rằng bầu Đức còn được gọi là head hunter.
Hơn 20 năm nay, ông Đoàn Nguyên Đức (thường được gọi là bầu Đức) làm việc không biết ngơi nghỉ.
Từng ấy năm, ông không hề đi du lịch, cũng không chơi thể thao sau giờ làm việc như nhiều "đại gia" khác. Ông đang sống một mình ở phố Núi Pleiku, trong khi vợ sang Singapore để chăm sóc ba đứa con đang học bên đó.
Từng được vinh danh là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam 2008, sau đó tạm “nhường ngôi” cho ông Đặng Thành Tâm, mới đây Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức giành lại vị trí cũ. Song, tâm sự với chúng tôi rằng, ông cho rằng điều đó "chẳng có mấy ý nghĩa" , thậm chí ông không tin vào tính xác thực của cuộc bầu chọn "nóng vội" năm nay.
Ông Đức lý giải, yếu tố quan trọng nhất để đơn vị bình chọn dựa vào và xem xét những người giàu nhất trên sàn chứng khoán là tính thanh khoản thì lại thiếu vắng. “Muốn tính giá trị chính xác của số cổ phiếu mà một ai đó sở hữu trên sàn chứng khoán thì phụ thuộc rất lớn vào tính thanh khoản. Cổ phiếu phải có người mua, kẻ bán, nghĩa là có tính thanh khoản cao. Nếu không ai mua bán thì làm sao người sở hữu có thể gọi là giàu nhất được”.
Hơn nữa, theo ông Đức, các tiêu chí khác như các chỉ số P/E, EPS của chứng khoán cũng không được đưa vào xét duyệt. Ngoài ra, thời điểm này vẫn còn quá sớm để thống kê người giàu nhất trên sàn chứng khoán. "Còn gần bốn tháng nữa mới hết năm, mà từ giờ đến cuối năm thị trường còn biến động khó nói nên chưa biết trước được điều gì", ông Đức nhận xét.
|
Với Bầu Đức, ngày doanh nhân cũng như bao ngày bình thường khác, ông vẫn làm việc không ngơi nghỉ. |
Dù không phủ nhận kết quả trên, song ông Đức cho rằng không cần thiết phải lên tiếng về sự kiện này, vì dù sao đây cũng là việc xã hội tôn vinh nên cần phải tôn trọng.
Ngày doanh nhân cũng như bao ngày thường
Bước ngoặt của người đàn ông phố Núi này được đánh dấu sau ba lần thi ĐH không thành, ông dấn thân vào con đường kinh doanh và khởi nghiệp là điều hành một phân xưởng gỗ nhỏ trong làng, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã Chưdrông, Pleiku (Gia Lai).
Đến nay, Đoàn Nguyên Đức đã làm chủ một tập đoàn hùng mạnh hàng đầu Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai Group, một tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ cao su, gỗ đá, địa ốc, thủy điện, bóng đá rồi đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng và mở học viện bóng đá. Tính đến ngày 5/3 năm nay, tổng số cổ phiếu HAG niêm yết trên HoSE là 270,465,458 cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa trên thị trường là 22,719 tỷ đồng (tương đương 1,19 tỷ USD).
Nói về "cái nghiệp doanh nhân", ông cho biết, đã hơn 20 năm rồi chỉ biết làm việc liên tục và cũng từng ấy năm ông không hề đi du lịch, không chơi thể thao sau giờ làm việc như thói quen nhiều "đại gia" khác. Với ông, có lẽ niềm đam mê công việc đã ngấm sâu vào máu, tự bao giờ ông chỉ biết đến công việc như là niềm vui.
Thời trang của “đại gia Phố Núi” qua năm tháng vẫn một phong cách, đơn giản và có phần “bụi”. Là người đầu tiên sở hữu máy bay riêng ở Việt Nam, nhưng Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai không mấy khi đóng bộ chải chuốt.
Ông ăn mặc “xoàng xoàng”, không bao giờ mặc comple, họa hoằn lắm mới thấy ông diện sơ-mi, thắt caravat, còn không hình ảnh Bầu Đức mà người ta thường thấy là áo phông, quần jean và giày thể thao. Ông thích sự đơn giản, thoải mái, không nặng nề, cầu kỳ bề ngoài. Ông quan niệm dù giàu hay nghèo thì bản chất con người vẫn không thay đổi, không phải cứ có tiền là đầu tư vào quần áo mới khẳng định được mình.
Thường những doanh nhân cả ngày bộn bề với công việc, họ chỉ mong tối về được quây quần bên tổ ấm của mình, để đầu óc được thảnh thơi, yên bình. Song với Bầu Đức, điều này hầu như là không có trong suốt nhiều năm và ông vui vẻ chấp nhận. Có lẽ vì sự học của ông dang dở nên ông đã tạo mọi điều kiện cho ba người con của mình được học hành ở môi trường tốt nhất.
Hiện các con của ông đều học tại Singapore, con đầu học đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, hai con nhỏ học phổ thông, vợ ông cũng sang đó định cư để tiện chăm sóc cho con cái. Bầu Đức một mình bám trụ phố Núi. với niềm đam mê kinh doanh mà ông đã trót "dấn thân vào".
Chuyên gia săn chất xám
Ngoài những chức danh người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, người Việt đầu tiên sở hữu phi cơ riêng... ít ai biết rằng bầu Đức còn được gọi là head hunter (chuyên gia săn đầu người).
Ngoài việc không tiếc tiền để mua về và trả lương ngất ngưởng cho những ngôi sao bóng đá hàng đầu cả trong và ngoài nước, bầu Đức còn được xem là một trong những người đầu tiên biến ý tưởng thuê chuyên gia nước ngoài về làm việc dưới quyền điều hành của mình thành hiện thực. Vì thế ông còn được gọi là chuyên gia săn chất xám ngoại, điều này có lẽ còn rất mới mẻ với nhiều người.
Ông Đức kể, năm 1996, lần đầu tiên được sang Mỹ tham gia triển lãm sản phẩm, ông ở trong một khách sạn năm sao và thấy rất hài lòng với cách phục vụ của giới quản lý và nhân viên. Lúc đó, ông chợt nảy sinh ý tưởng táo bạo là một ngày nào đó, ông sẽ thuê người nước ngoài về quản lý hệ thống khách sạn của mình.
Đến nay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có hơn 20 chuyên gia ở nhiều nước khác nhau tới làm việc lâu dài. Ở Hoàng Anh Gia Lai, có nhiều cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật giỏi được bầu Đức chiêu mộ từ các nguồn đào tạo trong và ngoài nước. Có không ít người được cử đi học nước ngoài như Singapore, Mỹ, Australia... từ các khoá học ngắn ngày tới đại học, thạc sĩ.
Trên một diễn đàn mạng, trong topic (chủ đề) nói về những doanh nhân phố Núi Pleiku, một thành viên đang công tác tại Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ: “Tại sao có nhiều người tài lại ở lại Hoàng Anh Gia Lai được lâu? Bởi họ không chỉ được đãi ngộ bằng những quyền lợi và vật chất xứng đáng, môi trường văn hóa rất đặc trưng mà họ còn nhận được sự trân trọng chân thành của Bầu Đức”.
“Hoàng Anh là ai? Gia Lai ở đâu? Đoàn Nguyên Đức là kẻ nào”, đó là những tít lớn từng chạy suốt trên nhiều tờ báo ở Thái Lan cách đây khoảng gần chục năm.
Khi ấy, nhiều người Thái đang ngỡ ngàng trước tin Kiatisak, cầu thủ con cưng của đội tuyển quốc gia Thái, đã chấp nhận về đầu quân cho đội HAGL, một đội bóng hạng nhất của Việt Nam với mức lương khởi điểm là 7.000 USD và đến năm 2002 là 15.000 USD. Thời điểm đó mức lương cao nhất mà Kiatisak được hưởng ở quê nhà chỉ là 1.500 USD.
|
Dù mặc quần jeans, áo phông và đi giày thể thao ra sân cỏ, nhưng bầu Đức vẫn đang làm việc khi theo dõi các cầu thủ của mình tập luyện, chứ không phải ông đi chơi. |
Trước đó, không một ai tin rằng bầu Đức thành công trong cuộc chạy đua với các câu lạc bộ khác ở Singapore, Malaysia để giành Kiatisak. Trong nước thì toàn những lời chỉ trích gay gắt về sự kiện này, đại khái như ông Đức chỉ được cái chơi ngông, tạo scandal lấy tiếng chứ làm gì mua nổi cầu thủ Thái này.
Song thời gian đã trả lời rằng những quyêt định của ông lúc đó là đúng đắn và khôn ngoan. Chính nhờ có Kiatisak trong đội bóng, HAGL năm 2001 đã thăng hạng, năm 2003 vô địch giải chuyên nghiệp quốc gia đầu tiên, vô địch giải siêu cúp quốc gia... rồi liên tiếp đạt nhiều danh hiệu khác, trong đó có cả Huy chương đồng giải vô địch các CLB vô địch Đông Nam Á.
Nhưng mục tiêu của HAGL là phát triển kinh doanh, phát triển thương hiệu. Nhờ có đội bóng, nhất là từ khi có Kiatisak, doanh số của HAGL tăng hàng năm đến 200%. Thành công của đội bóng làm tên tuổi của HAGL được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, theo đó thương hiệu HAGL cũng được quảng bá khắp nơi.
Sau sự kiện này, HAGL tiếp tục lại gây tiếng vang khi hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007.
Uy tín trong làng bóng Việt Nam của HAGL, thậm chí cả ở nước ngoài, nói chung và bầu Đức nói riêng đã được thẩm định. Tuy nhiên đây không phải mục đích cuối cùng của bầu Đức. Điều quan trọng hơn là bóng đá hay bất cứ lĩnh vực nào bầu Đức dốc tiền vào cũng đều phải phục vụ tối đa lợi ích về kinh doanh, đối với các sản phẩm của công ty mẹ HAGL.
Đến bây giờ khi cái tên Hoàng Anh Gia Lai đã nổi như cồn thì bóng đá không còn là kênh đầu tư chiếc lược của tập đoàn này nữa. Thay vào đó, vài năm gần đây, HAGL đẩy mạnh đầu tư vào các nước láng giềng như Lào, Campuchia…
Bầu Đức cho biết, hiện tập đoàn HAGL đã đầu tư vào Lào với tổng vốn đăng ký 450 triệu USD, vào 3 lĩnh vực chủ yếu là quặng sắt, thủy điện và cao su.