Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại thành Hà Nội nỗ lực khắc phục ảnh hưởng bão số 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều diện tích lúa và hoa màu tại các huyện ngoại thành Hà Nội đã bị ngập úng, thiệt hại.

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, tính đến 16h ngày 21/8, toàn TP Hà Nội có 1.556ha lúa bị ngập 2/3 thân cây; 2.678ha lúa bị ngập; 830ha rau bị ngập, rập nát; 18,6ha lạc, 77,5ha lạc bị ngập, 437ha ngô bị ngập, đổ gẫy; 310ha cây ăn quả bị ngập, đổ gẫy và rụng quả; 58,7ha sắn bị đổ gẫy, ngoại thành có 401 cây xanh bị đổ gẫy. Trong đó, nhiều địa phương có diện tích lúa bị ngập nặng như: Ba Vì 882ha, Thạch Thất 240ha, Thanh Oai 1.200ha. Thường Tín và Hoài Đức là 2 địa phương có diện tích rau bị thiệt hại lớn lần lượt là: 118,8ha và 150,9ha.

Lượng mưa kéo dài trong 4 ngày (từ 18 - 21/8) đã làm cho 102ha lúa của huyện Thạch Thất bị ngập sâu, 142ha lúa bị ngập trắng và 15ha sắn ở xã Bình Yên bị đổ gẫy. Ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, ngay trong ngày 19/8, nhận thấy 1 số nhà ở của người dân bị xuống cấp có nguy cơ bị đổ sập, ngập nước nếu mưa lớn xảy ra, huyện đã vận động người dân di dời. Đến thời điểm hiện tại 9 hộ dân, gồm: 8 hộ ở thị trấn Liên Quan và 1 hộ ở xã Phùng Xá đã được di dời đến nơi an toàn.

Đáng nói là, do lượng mưa lớn cộng với lượng nước rút từ đồng ruộng tại các địa phương đổ ra đã khiến cho mực nước sông Tích dâng cao. Đến 16h chiều 21/8, mực nước sông Tích đang ở mức báo động 2, chỉ kém 20cm nữa là lên mức báo động 3. Đáng lưu ý, có 2 điểm đê tại địa phận xã Cần Kiệm có nguy cơ nứt vỡ. Trước tình hình đó, ngày 20/8, huyện Thạch Thất đã thành lập tiểu ban trực chiến và bố trí đầy đủ các phương tiện cọc tre, bao cát đề phòng các điểm đê xung yếu. 

Tại huyện Mỹ Đức, do mực nước mưa đo được trung bình ở mức 160mm nên hầu như các diện tích lúa, hoa màu trên địa bàn không bị ảnh hưởng. Chiều 21/8, toàn bộ các trạm bơm tiêu lớn trên địa bàn huyện như: Trạm Phù Lưu Tế, trạm An Mỹ - Hòa Lạc, trạm Xuy Xá đang vận hành hết công suất để tiêu úng kịp thời. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho hay, ngay từ sáng 20/8, huyện đã huy động 15 trạm bơm tiêu, 69 máy bơm dã chiến với tổng công suất 249.800 m3/h để tiêu nước cho lúa và hoa màu. Hiện tại, mực nước ở đồng ruộng cơ bản đã rút được 20cm, mực nước sông Đáy đang mức báo động 1. 

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đến thời điểm chiều 21/8, mực nước tại trên các sông ở khu vực các huyện ngoại thành đã rút đáng kể, nông dân đang tập trung khắc phục và chăm sóc cây trồng. Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mặc dù cơn bão số 3 không gây gió giật mạnh nên diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại không nặng nề như cơn bão số 1. Tuy nhiên, đối với các vùng cây ăn quả và rau màu bị ngập, Sở khuyến cáo nông dân khẩn trương tiêu úng cho cây trồng trong 24h. 

Nếu cây trồng bị ngập từ 2 ngày trở lên, sau khi nước rút hết, nông dân cần dùng thuốc đặc trị nấm phun cho cây để diệt trừ nguồn bệnh, sau đó mới bón phân bổ sung chất dinh dưỡng để cây nhanh phục hồi.