Ngoại trưởng Đức: EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga là "không thực tế"

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel ngày 18/7 cho rằng lệnh trừng phạt hiện tại của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow là "không thực tế", đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với chính sách mới "giảm căng thẳng" giữa các nước phương Tây và Nga.

Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Focus (Đức) ngày 18/7, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã thể hiện quan điểm ủng hộ xóa bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Nga để mang lại hòa bình ở Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. Ảnh: Reuters 
Theo Ngoại trưởng Gabriel, EU không nên chờ Nga thực hiện thỏa thuận Minsk rồi mới dỡ bỏ trừng phạt Moscow, mà phải làm ngược lại mới giải quyết được vấn đề hòa bình ở Ukraine.
Ông Gabriel lý giải, quyết định của EU yêu cầu Nga thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk trước khi xóa bỏ các biện pháp trừng phạt chống Moscow sẽ rất khó khăn. Nhưng EU thực hiện ngược lại sẽ đem lại hòa bình ở Ukraine.
"Tôi cho rằng đòi hỏi của EU sẽ rất khó thực hiện. Theo tôi, nếu EU xóa bỏ dần các biện pháp trừng phạt sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện những bước tiếp theo tiến tới giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine" - ông Gabriel nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Gabriel cho biết, ông mong muốn mối quan hệ giữa Moscow và Berlin sẽ bớt căng thẳng hơn, đồng thời nhấn mạnh trong trường hợp Nga giải quyết được vấn đề ở Ukraine mới tạo cơ hội để cải thiện mối quan hệ song phương.
Ông Gabriel cũng chỉ trích dự định của Quốc hội Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt mới chống Nga vì các quốc gia châu Âu cũng bị ảnh hưởng từ chính sách này.
Theo Ngoại trưởng Đức, thông qua các lệnh trừng phạt mới này, Mỹ đang dồn ép Nga, đẩy các công ty khí đốt của nước này khỏi thị trường EU và buộc các khách hàng châu Âu phải mua khí đốt của Mỹ với giá cao hơn.
"Điều này là không ổn. Chính sách đối ngoại của Mỹ lại phục vụ chính sách kinh tế" - ông Gabriel nhận định.
Cũng theo quan điểm của Ngoại trưởng Đức, rõ ràng các biện pháp trừng phạt Nga vì liên quan tới tình hình ở Ukraine đang được Mỹ và EU vận dụng để gây sức ép lên Moscow.
Ông Gabriel nhấn mạnh, thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt liên tiếp được tung ra, nhưng tình hình miền Đông Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt và nền kinh tế các nước EU cũng bị ảnh hưởng từ việc thực thi lệnh trừng phạt này.