Ngoại trưởng Mỹ thăm Pháp, nỗ lực hàn gắn rạn nứt vì AUKUS

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, người đang có chuyển thăm Paris.

 Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tối 4/10 đã tới thủ đô Paris, Pháp, bắt đầu sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ với một trong những đồng minh truyền thống quan trọng nhất tại châu Âu.
Trao đổi với báo giới, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong cuộc gặp kéo dài khoảng 40 phút hôm 5/10, Tổng thống Pháp Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã nhất trí về những cơ hội giúp tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác giữa Paris và Washington.
Theo quan chức ngoại giao Mỹ, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Blinken, Tổng thống Macron nói rằng Pháp nhất trí với bất kỳ ý tưởng ​​mới nào trong việc hợp tác an ninh, song không cạnh tranh với NATO.
Về phần mình, Bộ trưởng Blinken cho biết, Washington “chắc chắn sẽ ủng hộ các sáng kiến ​​quốc phòng và an ninh của châu Âu” với điều kiện không làm suy yếu liên minh NATO, theo quan chức ngoại giao Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken cũng thảo luận về các đề xuất của Pháp nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh và chống khủng bố tại khu vực Sahel của Tây Phi.
Trong chuyến thăm Paris lần này, Ngoại trưởng Blinken cũng có cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian và Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Macron, Emmanuel Bonne để thảo luận về cách thức nhằm khôi phục quan hệ sau căng thẳng liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm khiến Pháp triệu đại sứ tại Washington về nước. Quan chức ngoại giao Mỹ mô tả các cuộc gặp của Ngoại trưởng Blinken với các quan chức Pháp diễn ra "rất thân mật".
Hai bên cũng trao đổi về các kế hoạch tổ chức một cuộc gặp giữa Tổng thống Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong tháng 10 này.
Quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bất đồng liên quan đến thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS). Thỏa thuận mới được ký kết này đã dẫn tới việc Canberra rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD ký với một công ty của Pháp.
Paris đã rất tức giận  khi gọi đây là “nhát dao đâm sau lưng” và lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước triệu hồi đại sứ của mình tại Washington về nước. Đại sứ Philippe Etienne đã quay lại Mỹ sau 2 tuần được triệu hồi về nước tham vấn và sau cuộc điện đàm của Tổng thống Macron với người đồng cấp Mỹ Biden hôm 22/9, trong đó, người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận Washington nên liên lạc hiệu quả hơn với đồng minh truyền thống của họ tại châu Âu./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần