Hãng tin RIA cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25/12 kêu gọi Mỹ và Triều Tiên bắt đầu đàm phán. Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga sẵn sàng hỗ trợ cho các cuộc đàm phán như vậy.
Chính phủ Nga từ lâu đã kêu gọi Wshington và Bình Nhưỡng tiến hành đối thoại nhằm giảm căng thẳng liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Nga và Trung Quốc đều ủng hộ nghị quyết mới của Liên Hợp quốc (LHQ) gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo hôm 29/11 của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nghị quyết này được thông qua có sự cải tiến so với dự thảo ban đầu do Mỹ soạn thảo.
Theo giới quan sát, sự thay đổi giữa nghị quyết mới và bản gốc dự thảo của Mỹ phản ánh mong muốn của Trung Quốc và Nga ngăn chặn chiến tranh và bất ổn trên bán đảo Triều Tiên
Cùng ngày, Trung Quốc cũng kêu gọi các nước thực hiện nỗ lực mang tính xây dựng để giảm bớt căng thẳng sau khi Triều Tiên chỉ trích các biện pháp trừng phạt mới nhất của LHQ giống như một cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện nhằm chống lại Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 24/12 cảnh báo, các biện pháp trừng phạt mới nhất của LHQ nhằm vào Triều Tiên là một hành động khiêu chiến.
Trước đó, ngày 23/12 Trung Quốc đưa ra phản ứng sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết mới tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Phát biểu tại buổi họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng, Nghị quyết của LHQ là nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt, kiềm chế Triều Tiên.
Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan cần tuân thủ đầy đủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, áp dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng, thúc đẩy giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an LHQ ngày 22/12 thông qua những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất nhằm vào Triều Tiên do Mỹ soạn thảo
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ cấm xuất khẩu 90% các sản phẩm xăng dầu đã qua chế biến vào Triều Tiên, đặt mức trần là 500.000 thùng/năm, trong khi đó, việc xuất khẩu dầu thô cũng được hạn chế ở mức 4 triệu thùng/năm.
LHQ đã yêu cầu các nước phải gửi trả lao động Triều Tiên về nước trong vòng 24 tháng kể từ ngày nghị quyết trừng phạt được thông qua. Nghị quyết cũng cấm các nước xuất khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải và kim loại công nghiệp cho Bình Nhưỡng.