Ngoài yếu tố chủ quan, nguyên nhân nào dẫn đến sai phạm hình sự của cán bộ y tế?

D. Tùng - Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Qua các vụ án mà người bị truy cứu trách nhiệm đang là cán bộ y tế chúng ta cần rút ra điều gì, ngoài những yếu tố chủ quan của từng cá nhân vi phạm thì có những nguyên nhân, điều kiện nào khác?”, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19, sáng 8/11.

Để các y bác sĩ không vướng vào vòng lao lý
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, trong suốt hai năm qua, chúng ta đã trải qua thử thách khốc liệt chưa từng có. Hàng vạn bác sĩ, nhân viên y tế không quản hy sinh gian khổ đã và đang ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, điều trị, chăm sóc cho đồng bào, đồng chí. Những hy sinh, cống hiến đó Nhân dân mãi khắc ghi.
 Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) phát biểu thảo luận
Nhưng cũng rất đáng tiếc trong thời gian qua đã có không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
“Thật không có gì đau xót hơn khi mà pháp luật phải xử lý những người được coi là đội ngũ tinh hoa của đất nước”.
Trong một xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý là những người thầy mà vi phạm pháp luật thì rõ ràng đó là một hiện tượng rất đáng lo ngại, xét ở mọi góc độ cả về pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị nhà nước. 
Hơn nữa, Điều 6 của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.
Vậy, qua các vụ án mà người bị truy cứu trách nhiệm đang là cán bộ y tế chúng ta cần rút ra điều gì, ngoài những yếu tố chủ quan của từng cá nhân vi phạm thì có những nguyên nhân, điều kiện nào khác? 
Đại biểu rất tán thành ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan,(đoàn TP Hồ Chí Minh), đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp.
Điểm chung qua các vụ án vừa qua, theo đại biểu, có thể thấy số cán bộ y tế là quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ về các tội phạm về chức vụ mà hẳn các tội về kinh tế như vi phạm quy định đấu thầu, vi phạm quy định về kế toán. 
"Vậy thì những vi phạm của một số bác sĩ trong quản lý, điều hành các đơn vị công lập có nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống pháp luật quản lý, điều hành y tế hay không?"
Nghề y là nghề đặc biệt, bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu kiến thức y khoa học, năng lực chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Một bác sĩ được cất nhắc làm lãnh đạo, quản lý một bệnh viện thì hội tụ nhiều yếu tố phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn.
Với chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành một bệnh viện công, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn trong chẩn đoán, tổ chức điều trị và phòng bệnh, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, nội vụ, cơ sở vật chất. 
Nói một cách khác, Giám đốc bệnh viện công lập không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ cho những ca phẫu thuật phức tạp nhất, mà họ còn phải chịu trách nhiệm từ những chuyện gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế chịu trách nhiệm toàn bộ việc đấu thầu thiết bị y tế... 
Với những yêu cầu đặt ra, đó quả thực là chỉ có những bác sĩ phải có những kỹ năng đặc biệt, có trình độ đặc biệt thì đáp ứng được toàn mỹ nhiệm vụ đặt ra cho họ.
Tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như nghiên cứu mô hình y tế một số nước cho thấy, trong một cơ sở y tế, các bác sĩ giữ cương vị quản lý trong phạm vi chuyên môn của mình, họ có quyền đưa ra yêu cầu trang thiết bị, vật tư y tế khẩn thiết cho việc đã hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh, còn nhiệm vụ cung ứng, mua sắm, đấu thầu do bộ phận chuyên môn khác đảm nhiệm. 
“Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau như là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của các cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua?”, đại biểu nêu vấn đề.
Bởi vậy, theo đại biểu, cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công. 
“Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong ngành y tế và cũng là để chúng ta không thấy cảnh là bác sĩ sẽ vướng vào vòng lao lý về công việc mà đáng lẽ bác sĩ họ không phải làm, không được làm”, đại biểu bày tỏ. 
Tạo điều kiện cho nhân viên y tế có môi trường phát triển y đức
Đóng góp các ý kiến về Báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, nước ta đã tương đối kiểm soát được tình hình dịch bệnh tuy nhiên chúng ta cũng hy sinh, mất mát quá nhiều. Đáng buồn nữa, theo đại biểu, đó là chưa kể nhiều bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt do Covid và gián tiếp ra đi vì Covid.
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới và khắc phục được những gì đã xảy ra, để chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm được số ca nặng, giảm tử vong thì cần rút ra được những bài học kinh nghiệm xương máu.
Thứ nhất, đại biểu đề nghị xem lại thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. Chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở phải được phân bổ thế nào để đáp ứng với quy mô dân cư chứ không chỉ phân chia về địa lý. 
Y tế cơ sở không chỉ cần đầu tư về ngân sách mà còn vấn đề về nhân lực, phải thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có hiểu biết để hệ thống này hoạt động tốt. 
Đại biểu cho rằng Chính phủ cần có chính sách, chủ trương xuyên suốt và chỉ đạo Bộ Y tế về xây dựng quan điểm phòng chống dịch. Việc sắp xếp tổ chức y tế cơ sở cũng cần tập trung hơn. 
Từ năm 2006-2007, các trung tâm y tế của các quận, huyện được chia thành ba phần là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, dẫn đến có những bệnh viện chưa hoạt động hiệu quả như một bệnh viện, có những trung tâm y tế dự phòng rất yếu kém, phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính.
Còn hiện nay, khi tất cả các trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện thuộc quận, huyện trực thuộc Sở Y tế, điều này khiến Ủy ban Nhân dân các địa phương rất khó trong việc điều phối lực lượng hoặc xảy ra tình trạng người phụ trách về công tác y tế chỉ làm được về chức năng quản lý Nhà nước. 
Thứ hai, về vấn đề hệ thống điều trị, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã dành nguồn lực tối đa tập trung vào phòng, chống, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19. Trong khi đó, lực lượng y tế tư nhân dường như đang bị "bỏ quên", trong khi lực lượng này nếu được huy động kịp thời, có cơ chế để tham gia phòng, chống dịch, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả hơn rất nhiều. 
“Cái gì chúng ta cũng muốn bao cấp, theo giá nhà nước, nên y tế tư nhân không tham gia được. Vaccine cũng chưa cho phép dịch vụ, trong khi tôi cho rằng đây là hình thức để xã hội đóng góp” – đại biểu nêu quan điểm.
Thứ ba, phải tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức. Việc nhiều cán bộ, đảng viên ngành y tế bị kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành y tế.
“Ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, có nhiều con người cùng hành động, nhưng vì mục đích phục vụ người bệnh thì phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển y đức” – đại biểu nói.