Xong lớp mười hai, ba bảo:
- Cả nhà có mỗi đứa con gái, ba không muốn mày phải vất vả như mấy anh em khác. Để ba đưa lên Sài Gòn, ở nhờ nhà cậu mợ học tiếp, con ạ!
Duy nhất trong cả hai phía nội ngoại, chỉ mình cậu Út là có ăn có học, đi làm. Vợ cậu là người thành phố, da trắng, thon thả, giọng nói nhẹ dàng dễ thương. Đứng trước mợ, Ngọc thấy mình vụng về xấu xí không thể tả, lóng ngóng ôm chặt cái ba lô bằng vải jeans quê mùa trước ngực. Thủng thẳng, mợ bảo, ăn thì thêm cái chén đôi đũa, ở thì nhà cửa chật hẹp đã có sẵn đấy, Ngọc cứ vô tư mà ôn luyện. Ngọc tính thi trường nào?
Mợ coi vậy mà dễ gần, lại có vẻ ưa cô cháu chồng mới gặp. Chở Ngọc đi loanh quanh cho biết chỗ này chỗ nọ, mua sắm vài ba thứ linh tinh. Ngọc ngạc nhiên khi thấy mợ khuyên: ráng mà học hành, chỉ có học mới có cơ may thay đổi cuộc đời. Nghe thật sáo rỗng và sách vở! Ý nghĩ không làm chủ được, tự xô tới, rằng, chắc mợ tính tỏ vẻ với Ngọc đây mà! Mợ hào phóng đãi Ngọc gội đầu ở tiệm một lần cho biết. “Chứ mợ thì toàn… tự xử, một phút ba mươi giây là xong, đỡ tốn kém!”. Ngọc nín thinh, không dám nói, ở quê, tuần nào Ngọc chẳng nhín tiền đi gội đầu. Ngọc cũng cố tình giấu đôi bàn tay đi, không để mợ trông thấy những cái móng sơn đã lâu, phai màu lem nhem của mình. Tính ra, đàn bà thành phố như mợ, có khi còn ít biết hưởng thụ hơn ở xứ Ngọc không chừng.
Hôm ấy, Ngọc len lén mua nước tẩy về bôi hết những dấu sơn đỏ trên móng. Nó chìa cánh tay con gái mướt rượt bên cạnh tay mợ, buột miệng:
- Mợ Út làm văn phòng mà tay chân cũng gân guốc xù xì dữ hen!
Mợ cười, nhỏ nhẹ khen:
- Ừ, đúng là người cũng như tên, tay chân ngọc ngà ghê. Do hồi đó nhà mợ nghèo quá, phải làm nhiều việc nên mới bị xấu dữ vậy! Nhà Ngọc ở quê thế nào?
Thế nào ư? Ngọc hình dung những chuyến câu mực đêm của ba, đối mặt với sóng gió để sáng về tính ra không đủ phí tổn. Ngọc nhớ về đợt ba quyết định vay xóa đói giảm nghèo đóng tàu đánh bắt xa bờ, tiền nợ lên tới hàng trăm triệu, một con số khủng khiếp với một làng chài. Ba rong ruổi theo ghe người ta xuống Vũng Tàu, Kiên Giang, những mẻ cá ngừ đại dương, cá bớp, cá nhám lèo tèo không kịp để xoay xở đóng nợ hàng tháng cho ngân hàng. Ngọc nhớ về mấy cái rổ tôm biển vỏ cứng còng, thịt cũng chẳng mấy ngon ngọt, có ra tận chợ mới được giá mười mấy ngàn một ký… Mấy thằng em trai học vừa đủ biết chữ, biết tính rợ, là vội theo ba xuống ghe làm bạn. Đi biển mà trời không thương thì chỉ có sạt nghiệp. Ghe kế bên kéo lưới lên không nổi vì nặng, mà mình sát cạnh chẳng kiếm nổi con cá nhép, cũng đành chịu. Câu nói chẳng biết của ai, thường được ba Ngọc mang ra lẩm bẩm trong khói thuốc lá mịt mù. Ngọc nghe tuy chưa hiểu hết nỗi đắng đót trong đấy, nhưng vẫn biết rằng, may mắn chưa từng mỉm cười với cuộc mưu sinh của gia đình Ngọc.
- Không phải mợ có ý gì, nhưng Ngọc cũng nên kiếm việc làm thêm. Thời gian đến trường ít mà. Ngọc giỏi môn gì, đi dạy kèm được không?
Ngọc nghĩ mãi mà không ra mình khá môn gì đặc biệt. Ngọc cũng chưa từng kèm cho đứa em nào. Mợ có vẻ hơi bất ngờ.
- Hay Ngọc nhận thêu tranh chữ thập, tính theo mũi đó, hoặc nhận hoa vải về nhà gia công, chịu khó, ngày cũng kiếm được ít chục?
- Chẳng đủ để con mua hũ kem sâm dưỡng trắng nữa là!
Ngọc mang cái rổ đựng mớ vỏ ổi vỏ xoài xuống bếp dẹp, không kịp thấy mợ Út thở dài kèm theo một câu nói nhỏ tự mình nghe:
- Kiểu này, đời con nhỏ không đi xa hơn được mấy hũ kem sâm cho coi!
Ngọc được cái chân dài, tóc thẳng, da dẻ giữ kỹ nên trắng trẻo, chứ mặt mũi trời không cho nét nào đặc biệt, cũng chưa ở mức dễ coi. Đầu quân ở cái trường chuyên về du lịch, nhà hàng khách sạn ấy vì đủ chuẩn chiều cao, học được ít hôm, Ngọc đã biết là sai lầm. Nữ sinh đi học mặc đồng phục là áo dài đỏ thẫm với quần màu đồng, tông xuyệt tông, tuyệt vời. Họ cưỡi những chiếc xe tay ga đẹp đẽ, khoác những cái túi cũng xinh xắn như vậy. Ngọc thấy mình lạc lõng chẳng giống ai, thời buổi này còn lọc cọc xe đạp, bộ áo quần may ở tiệm trong hẻm gần nhà cậu mợ bằng thứ vải thường. Tập vở bút thước xoàng xĩnh. Mọi thứ tố cáo rành rành một cô gái nhà quê mười chín tuổi mới lên phố lần đầu, tiền chẳng có, mà cũng không sở hữu thứ gì khả dĩ để tự hào. Sức học của Ngọc, cũng chỉ ở mức tàn tàn, sau đợt thi đại học, chỉ đủ điểm để xét vào cái trường tư học phí ngất ngưởng này. Mợ bảo, bận tâm làm gì ba cái râu ria ấy, quan trọng là mình, nhưng Ngọc thấy tâm sự với mợ chỉ chuốc thêm chán nản. Người gì mà cứ tưởng đời đơn giản xuềnh xoàng như mợ là coi được. Mợ sao biết, Ngọc sẵn sàng… thả rông ra đường, nhưng chẳng thể nào không xịt nước hoa cho thơm người, lông mày quên chải được. Đàn bà con gái, chút sĩ diện cỏn con kiểu ấy mà mợ cũng không hiểu Ngọc, thì thôi rồi…
Học sao nổi khi cuộc sống túng bấn, dù mợ đã nuôi cơm, chẳng lấy tiền nhà. Ngọc nhìn chúng bạn trong lớp mà không khỏi tủi thân. Chưa ở đâu mà sự phân biệt sang hèn rõ rệt như tại cái đất Sài Gòn, ở một cái trường quý tộc như nơi này. Muốn đi tour thực tập, cũng phải có tiền mà đóng. Tiền lấy đâu ra? Mấy lần gọi về nhà, chỉ nghe mẹ kể than, não cả ruột. Nào là, bạn chê ghe nhà Ngọc đói, bỏ theo ghe nhà khác. Chẳng còn tình nghĩa gì. Không những vậy, họ còn đòi hỏi, vòi vĩnh cà phê thuốc lá, giấu giếm bớt cá bớt mực, hớt đầu này đầu nọ. Mẹ loanh quanh vá lưới, cân đong buôn bán lặt vặt, kiếm được mấy đồng. Thằng Tí anh, Tí em tuổi ương tuổi ngạnh, cãi ba cãi mẹ, học đòi hút thuốc uống rượu, muốn sắm sanh đủ thứ, đến khổ… Ngọc thấy chán, chẳng còn muốn gọi về nữa. Lòng chỉ manh nha ý định, kiếm cái việc gì đó làm, có thể nhanh chóng nảy ra tiền, chứ học cho lắm cũng ăn cơm với mắm, tắm cũng ở truồng, vậy thôi!
Chưa hết năm đầu, Ngọc bỏ học, sau khi theo chúng bạn đi tour thực tập đầu tiên trong đời. Cũng trong chuyến đi ấy, Ngọc biết cái câu văn hoa “đánh mất đời con gái” nghĩa là gì, khi buổi tối hôm đó, vì cả nể xen lẫn tò mò, Ngọc để anh chàng hướng dẫn thực tập lì lợm ngủ chung phòng. Chuẩn bị ra trường, tóc tai sành sỏi, anh ta nhận ngay ra vẻ ngơ ngác xen lẫn tự ti lại hay cố tỏ ra sành sỏi của cô gái mới đi chuyến đầu tiên xa nhà, lại chẳng có gì để bấu víu hay để mất. Lồ lộ trong mắt Ngọc là câu: mặc kệ sự đời.
***
- Con nghỉ, không làm ở quán đó nữa đâu. Ngâm nước rửa chén rửa rau, tay chân xước hết, thô lắm!
Ngọc lầu bầu thông báo. Cậu Út mệt mỏi im lặng và cơm, mấy chuyến công tác xa gần và những đêm thức khuya làm thêm bên máy tính khiến cậu dường như lơ mơ với mọi thứ. Mợ lắc đầu, bảo, biết làm sao giúp Ngọc bây giờ. Cái số gì lận đận quá. Tình duyên lẫn công việc. Hay là Ngọc thử xin cái bảng điểm, mợ kiếm coi có chỗ nào chịu nhận hay không?
Cuối cùng thì mợ cũng tìm được cho Ngọc một chân trực điện thoại cho chi nhánh công ty mợ. Lương hơn ba triệu một tháng, Ngọc thấy mình cũng đường đường là một nhân viên văn phòng như ai. Ngọc nhanh chóng cặp với anh chàng đồng nghiệp cứ thích lập lờ chuyện đã lấy vợ hay chưa. Quan trọng gì kia chứ! Có người để túc tắc nhắn tin, trưa ăn cơm máy lạnh, buổi tối cà phê hóng gió, cũng vui. Những điểm vui chơi mua sắm của thành phố, nếu không có tài xế chở đi, thì đến bao giờ Ngọc mới biết hết. Bởi dù mợ nhiều lần thúc giục xen lẫn hối thúc, Ngọc vẫn lười, chưa tập đi được xe máy. Ở Sài Gòn mà không biết đi xe, có khác gì… cụt chân, lấy gì chủ động cuộc sống hở Ngọc? Mợ khéo lo. Cần đi đâu, thì ới lên nhờ người chở cũng được, không thì ở nhà, có sao đâu?
***
Thoắt cái, Ngọc hai bảy tuổi. Hai đứa con mợ Út đã bắt đầu vào tiểu học. Chúng nó không còn thân thiết với Ngọc như xưa, bởi những lần dọn đi dọn về cộng với tính khí có phần thất thường của Ngọc. Chỉ duy có mợ, là luôn nhẹ nhàng vui vẻ, vẫn ái ngại dành mấy câu khuyên đầy sáo rỗng và sách vở:
- Ngọc phải thu vén cuộc sống đi chứ, không học chữ thì cũng học nghề, lấy ngắn nuôi dài, có đâu lông bông như vậy?
- “Con còn có tiền gởi về cho mẹ chơi hụi, cho thằng Tí anh mua di động đời mới đấy chứ mợ chê à?!” - lúc nói câu ấy, Ngọc nghĩ tới lần vòi được ít tiền của lão bồ già mới đây, sẵn đưa mẹ luôn, kiểu như trả hiếu một lần cho xong...
- Nhưng sống như vậy thì phí đời quá, Ngọc còn trẻ, phải nhìn xa hơn, còn được mấy năm đẹp nhất nữa đâu nào?
- Ôi trời, đàn bà càng già càng chín, mợ coi mình kìa, cứ cắm cúi làm, chẳng chơi bời bồ bịch, vậy mới là đáng chán chứ!
- Cha cái con nhỏ này, nói năng bậy bạ, cậu mày nghe được là đuổi đi nghen con!
Giờ thì Ngọc lại dọn về ở chung với cậu mợ, sau cái đợt bị vợ của anh bồ đến tận nơi trọ “làm cho ra lẽ”. Ba mươi tuổi, ban ngày Ngọc làm công nhân cho cái xưởng phía sau nhà. May công nghiệp, rồi chuyển qua làm sắt thiếc này nọ. Tất nhiên không phải việc nhẹ lương cao. Nhưng chẳng nặng đầu. Chủ có người thương, buổi tối rủ Ngọc đi uống nước, cũng vui. Thích thì cặp chơi cho đỡ buồn. Chiều về phụ mợ dọn dẹp, làm chút việc nhà, la hai đứa em họ mải xem tivi. Mợ bận học chuyên tu cái gì gì đấy. Rõ nhảm, già như mợ mà vẫn còn đèo bồng, hay thật. Ngọc không sao hiểu nổi. Nhà cũng đã có, xe cũng đã có, chồng cũng đã có, việc cũng đã có, mà người ta vẫn chưa cam lòng, cứ muốn thêm, thêm nữa, là sao?
***
- Mợ này, năm nay con có chồng đấy!
- “Ôi trời, ai mà xui vậy hở Ngọc?”. Mợ cũng biết tếu táo đùa kia đấy!
- Cái người thuê nhà kế bên nhà mình, mới dọn đến nè mợ.
Mợ đi suốt ngày, không biết cũng phải. Ngọc “nghía” anh chàng ngay từ hôm mới dọn đến. Chưa kịp bật đèn tán tỉnh thì giai đã đổ trước. Trai tân ngoài ba mươi tuổi, đang xoan. Đã mấy lần xung phong chở Ngọc đi lựa đồ ở chợ đêm gần nhà, trả tiền ăn và mua kem sâm tặng Ngọc dưỡng da…
- Mợ nói nghe này. Ngọc phải giữ mình, chứ ngủ với nó, là nó bỏ ngay đấy!
- Ôi mợ khéo lo, con đâu có ngu. Mà biết đâu ăn vô rồi nó ghiền, còn lo cưới con cho lẹ ấy chứ! Mà mợ nè, chỉ con cách làm sao cho mẹ nó bán ruộng, chia trước cho nó nhiều nhiều nhỉ?
- “Là sao, vụ gì lo xa hấp dẫn vậy?”. Mợ ngó Ngọc, bật cười trước toan tính của cô cháu chồng. “Sao không quen cho đàng hoàng, rồi còn tính chuyện dài lâu hở Ngọc?”.
Mợ tần ngần nhìn đứa cháu chồng đang soạn đồ chuẩn bị về quê ra mắt. Mấy cái quần soóc jeans ngắn cũn, không thể ngắn hơn. Áo thun sát nách, áo ba lỗ. Mặc vầy mới hiện đại, họ mới biết mình ở thành phố về chứ mợ. Tha thêm cái áo ngủ sexy, biết đâu có lúc cần. À, mợ có biết chỗ nào bán... màng trinh giả mà rẻ rẻ không, chỉ cho con với!
Sáng, mợ mở cửa tiễn Ngọc đi. Cậu trai hàng xóm đã đợi sẵn với vẻ mặt háo hức. Mợ khẽ thở dài, nghĩ tới hũ kem sâm ngày nào...
Kinhtedothi - Minh họa: Quỳnh Hoa |