Đền Tranh, còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, là một ngôi đền cổ thờ vị thần sông nước cai quản khúc sông ở gần bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Quan Lớn Tuần Tranh là một vị quan Tuần Phủ được giao cai quản ngã 3 sông Chanh, nơi giao nhau của 3 vùng đất Ninh Giang - Vĩnh Bảo - Thái Bình. Quan Lớn Tuần Tranh là một vị quan mẫu mực, hết lòng vì dân vì nước, bảo vệ vùng đất Ninh Giang, xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân.
Quan Lớn Tuần Tranh sống trong lòng mỗi người con Ninh Giang như một vị Thần. Để tưởng nhớ công đức to lớn của Quan Lớn Tuần Tranh, chính quyền địa phương và những người con Ninh Giang đã xây dựng ngôi đền thờ ông.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, năm 1946, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đền Tranh chỉ còn giữ lại cung cấm làm nơi thờ tự. Năm 1954, Đền Tranh được phục dựng lại để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Từ năm 1996 đến năm 2006, đền được đầu tư tôn tạo, xây dựng khang trang từ nhiều nguồn vốn. Năm 2009, đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Về giá trị văn hóa phi vật thể, đền Tranh còn bảo lưu được nhiều trầm tích văn hóa với rất nhiều các sự lệ trong năm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh - hàng quan lớn trong hệ tứ phủ thuộc tín ngưỡng Đạo Mẫu. Trước Cách mạng Tháng Tám, mỗi năm vào tháng 2 và tháng 8 là các kỳ lễ hội chính, ngoài ra còn có lễ Tiệc Quan ngày 25 tháng 5 Âm lịch. Ngày lễ trọng của kỳ lễ hội thứ nhất là ngày 14/2 Âm lịch, tương truyền kỷ niệm ngày sinh của Quan Lớn Tuần Tranh; lễ trọng của kỳ lễ hội thứ 2 là ngày 22/8 Âm lịch, tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo - người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ thứ XIII.
Đền thờ Quan lớn Tuần Tranh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2009. Về giá trị văn hóa, đền Tranh còn bảo lưu được nhiều trầm tích văn hóa với rất nhiều sự lệ trong năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa Lễ hội truyền thống đền Tranh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày nay, Lễ hội truyền thống của đền Tranh đã đơn giản đi rất nhiều, nhưng những nét cơ bản vẫn được bảo tồn, phát huy. Đặc sắc nhất là lễ rước nước. Đội hình rước chuẩn bị theo vị trí đã sắp xếp từ trước. Những người tham gia trực tiếp vào lễ rước phải trong trang phục lễ hội, tùy từng thành phần mặc áo the, khăn xếp... Ông thủ hiệu gióng một hồi trống để báo hiệu cho đội hình rước sẵn sàng. Đúng 9 giờ, đoàn rước khởi hành từ sân đền Tranh. Thứ tự đội hình rước như sau: Đi đầu là đội múa tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng) - đội cờ thần - đội chiêng, trống - đội hình chấp kích, bát bửu - kiệu bát cống rước bài vị Quan Lớn Tuần Tranh - kiệu long đình (rước chóe nước) - đội tế nam - đoàn đại biểu các cấp - lực lượng tham gia các trò chơi dân gian - cuối cùng là nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội. Đường đi của đoàn rước là từ sân đền Tranh qua Nghi môn, rẽ phải qua các tuyến phố của thị trấn Ninh Giang đến ngã ba sông Luộc sau đó trở về đền. Đoàn rước đi trong tiếng nhạc lưu thủy hành vân làm rộn rã cả một vùng rộng lớn.
Ngoài hoạt động dâng hương, lễ hội còn có hoạt động hát văn và hầu Thánh được tổ chức linh đình. Lượng du khách đến với đền Tranh trong lễ hội lên đến hàng vạn người.
Lễ hội đền Tranh xuân Quý Mão năm 2023 diễn ra trong 3 ngày là 1/3 và ngày 4-5/3 tại khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tranh với nhiều hoạt động đặc sắc.
Trước đó, ngày 1/3 (tức mùng 10/2 Âm lịch), UBND huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ hội đền Tranh và công bố Quyết định của Bộ VHTTDL ghi danh Lễ hội đền Tranh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.