Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngôi làng có nghề “vít cổ thiên hạ” hàng trăm năm giữa lòng Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Nghề cắt tóc ở làng Kim Liên (phường Phương Liên, Ðống Ða) đã có hàng trăm năm. Vào dịp Lễ hội đền Kim Liên (16/3 âm lịch) các hội thi cắt tóc lại diễn ra. Nhờ đó, ngôi làng nổi tiếng nhờ nghề “vít đầu thiên hạ” với hàng trăm tay kéo nức tiếng “Thăng Long đệ nhất kéo”.

Nghề “thợ cạo” ở làng Kim Liên

Thưở xưa, do vị trí và đặc điểm địa lý của làng Kim Liên ở ngoại ô kinh thành Thăng Long, có nhiều hồ ao, đầm lầy, bao quanh nhiều gò, đảo cao, thấp, dân làng sống tập trung thành từng xóm, cụm ven các gò đất cao. Người dân làng Kim Liên chủ yếu làm nghề trồng lúa nước, nghề nuôi thả cá, chài lưới, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dệt, nhuộm vải, nề, mộc… Ngoài ra ở làng Kim Liên còn xuất hiện một số nghề khác, mang đậm nét riêng, nét truyền thống của Kim Liên đó là nghề cắt tóc.

Lễ rước kiệu tổ nghề ngành tóc Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội đền Kim Liên năm 2024. Ảnh: Lại Tấn
Lễ rước kiệu tổ nghề ngành tóc Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội đền Kim Liên năm 2024. Ảnh: Lại Tấn

Trong đó, nghề thợ cạo (hay sau này gọi là cắt tóc) là nghề nổi tiếng của trai làng Kim Liên trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 cũng như trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Theo Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình - Sở VH&TT Hà Nội Bùi Minh Hoàng - nguyên Chủ tịch UBND phường Phương Liên: Lúc đầu, với chiếc hòm gỗ nhỏ đựng dao, kéo xách tay, trai Làng Kim Liên đã bôn ba đi khắp các ngõ, ngách xóm làng của thành Thăng Long lúc bấy giờ và phố phường Hà Nội sau này để hành nghề thợ cạo, do người dân thời xưa đa số còn búi tó. Sau này, khi ảnh hưởng bởi văn hoá phương Tây, nam giới để tóc ngắn, dần dần nghề thợ cạo chuyển dần sang cắt tóc.

Dịch vụ cắt tóc miễn phí trong khuôn khổ Lễ hội đền Kim Liên.
Dịch vụ cắt tóc miễn phí trong khuôn khổ Lễ hội đền Kim Liên.

Thợ cạo cũng không quá khó khăn phức tạp, không phải đầu tư nhiều vốn, đồ nghề thì đơn giản: từ xưa chủ yếu mọi người hành nghề chỉ còn có một hòm đồ nhỏ bằng gỗ hình vuông hoặc hình chữ nhật cao, dài, rộng khoảng từ 35- 40cm, trong đó chứa đủ bộ lệ, gồm: gương, lược, dao, kéo, các đồ lấy dáy tai... còn chiếc hòm kiêm luôn làm ghế cho khách ngồi.

Theo thông tin UBND phường Phương Liên cung cấp, nghề cắt tóc bắt nguồn từ cụ Tả Ao, quê ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh, trong quá trình hành nghề của mình có dịp qua làng Kim Liên xưa. Trên cơ sở nguyện vọng của các cụ ở làng và tình cảm, ấn tượng, cụ Tả Ao đã truyền nghề cho dân làng.

Điều bí ẩn giá trị đó mãi đến năm 1988 khi nhà nước triển khai thực hiện các dự án công trình phát triển Thủ đô Hà Nội: mở đường lớn thông từ ô Kim Liên (ô Đồng Lâm cũ) đến ô Chợ Dừa, mọi người mới đào được một chiếc hòm kích thước như một hòm đồ hành nghề thợ cạo ở vị trí gò nhỏ (gò sấp ấn) của ao lớn trước cửa đình làng. Hòm có nắp đậy, trong có tấm bia nhỏ khắc bằng chữ Hán Nôm, sau khi chuyển chiếc hòm vào đình làng, ban quản lý di tích đình làng có nhờ cụ Tư, là thầy nho của làng dịch nội dung đó từ chữ Hán nôm sang chữ Quốc ngữ. Nội dung là: “Yểm mạch hành nghề thợ cạo/ Thầy địa lý Tả Ao/ Giang sơn một tráp gương, lược, dao/ Chơi ngông gọt gáy khách anh hào/ Dẫu thánh, tướng ai ta cũng mặc/ Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào”.

Gìn giữ, phát triển nghề truyền thống

Ngày nay, dịch vụ cắt tóc nam, nữ, dịch vụ nhuộm tóc, duỗi tóc, uốn tóc nở rộ khắp nơi với đủ loại hình như phục vụ máy lạnh, wifi, cho đến cách phục vụ bình dân nhất là cắt tóc dạo. Chỉ với tấm gương nhỏ được treo trên thân cây, góc tường cùng vài dụng cụ dao, kéo, tông-đơ cũng đủ để người thợ cạo hành nghề.

Ngôi làng có nghề “vít cổ thiên hạ” hàng trăm năm giữa lòng Thủ đô - Ảnh 1

Song theo những người thợ cắt tóc Kim Liên, nghề cắt tóc là nghề của sự tài hoa, công cụ hành nghề là đôi tay, đôi mắt. Theo nghệ nhân Phạm Duy Hào, “cao thủ vít đầu thiên hạ”, nghề cắt tóc không đơn thuần là cắt ngắn một mái tóc, mà phải có con mắt thẩm mỹ, lòng yêu nghề, sự kiên trì, đầu óc sáng tạo và chất nghệ sĩ thì mới thành công. Bây giờ nhiều thợ học nghề 2-3 tháng đã sốt sắng mở cửa hàng, chứ ngày xưa thợ cắt tóc làng Kim Liên được đào tạo khắt khe, mất 3-6 tháng chỉ để tập đánh kéo. Tập đến tóe máu, phồng rộp bàn tay, tập bao giờ cơ tay khỏe, dẻo dai, cầm kéo như cầm bút vẽ, thầy mới cho làm nghề.

Hiện nay, con cháu của làng Kim Liên đã phát triển nghề cắt tóc trên khắp nơi trong và ngoài nước. Hàng năm, lễ hội vẫn tổ chức thi cắt tóc thu hút được các nghệ nhân trên khắp cả nước về dự và đồng thời tổ chức cắt tóc miễn phí cho người dân. Trong Lễ hội đền Kim Liên cũng có “kiệu tổ nghề ngành tóc Việt Nam”.