Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngôi làng của những con tàu “không số”

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù không được đăng kiểm, đăng ký, nhưng hàng chục con tàu tại thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn ra khơi. Áp lực mưu sinh, trả nợ khiến ngư dân phải đu bám trên những con tàu “không số” và đối diện với nhiều rủi ro, bất trắc.

Những con tàu ''không số'' tại Phước Thiện.
Năm 2014, ngư dân Trương Thanh Quang (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) hợp đồng với một cơ sở đóng tàu tại tỉnh Quảng Nam đóng mới vỏ tàu cá trị giá 300 triệu đồng. Khi đưa về Quảng Ngãi, anh Quang tiếp tục vay hơn 800 triệu đồng mua máy móc ngư lưới cụ đánh bắt hải sản. Dù thân tàu có chiều dài 16,5 mét, công suất 200 mã lực (CV) nhưng con tàu này vẫn không được đăng kiểm, đăng ký. Hàng ngày, anh Quang cùng 8 bạn tàu ra khơi, vào lộng khai thác hải sản mà không có bất kì một loại giấy tờ gì.
“Chúng tôi dân bãi ngang không am hiểu pháp luật, nên chỉ hợp đồng với họ rồi đóng tàu. Họ nói thủ tục xong là về đăng kiểm được, nhưng Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết trường đà này chỉ đóng từ 90CV trở xuống, còn chúng tôi đóng công suất cao hơn nhiều nên không được đăng kiểm”, anh Quang chia sẻ.
Chung hoàn cảnh như ngư dân Quang, con tàu của ngư dân Lê Văn Hạ (xã Bình Hải) cũng là tàu “không số” vì không được đăng ký, đăng kiểm với ngành chức năng. “Ghe có đăng kiểm thì được Nhà nước ưu đãi, lỡ có bị sự cố gì ngoài biển như tàu bị cơn lốc làm thiệt hại thì Nhà nước họ hỗ trợ. Còn mình không có đăng kiểm thì không được hỗ trợ”, anh Hạ ngậm ngùi.
Theo thống kê, tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, có đến 23 tàu cá của ngư dân có công suất mỗi tàu trên 90CV rơi vào tình trạng này. Không được đăng kiểm, đăng ký, ngư dân gặp vô vàng khó khăn trong hoạt động khai thác, đánh bắt. Họ không được mua bảo hiểm, không được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, để đóng được con tàu mưu sinh trên biển, ngư dân đã phải đặt cược toàn bộ tài sản gia đình cho các tổ chức, cá nhân cho vay.
Bộ đội biên phòng nhắc nhở ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật.

Tình trạng tàu “không số” này cũng đã khiến cho công tác quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác cứu nạn, cứu hộ khi thời tiết xấu hoặc xảy ra tai nạn trên biển.
Đại úy Trần Thế Vinh - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Hải - BĐBP Quảng Ngãi cho biết: “Khó khăn lớn nhất của BĐBP là bà con đi hành nghề trên biển tự ý, khi ra biển xảy ra thiên tai, tai nạn thì BĐBP không có nguồn tin nào để kịp thời hỗ trợ và xử lý”.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, 23 chủ tàu ở xã Bình Hải mua vỏ tàu lắp máy công suất 45 CV, loại này không thuộc diện phải lập hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, khi đưa về địa phương, ngư dân đã tự ý lắp đặt máy chính lên đến hàng trăm CV. Vỏ và máy không tương xứng, không đảm bảo an toàn, do đó không được đăng kiểm, đăng ký và không được ra khơi.
Ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Ngãi cho biết: “Cơ quan nào cho phép tàu chất lượng kém ra khơi và tàu đó gây tai nạn là cơ quan đó chịu trách nhiệm. Đã không đảm bảo an toàn thì không cấp giấy chứng nhận an toàn, mà cũng không cấp giấy phép khai thác”.
Dù không cơ quan nào cho phép, nhưng hơn 5 năm qua 23 tàu cá và hàng trăm ngư dân thôn Phước Thiện hàng ngày vẫn ra khơi. Áp lực mưu sinh, trả nợ khiến họ tiếp tục phải đu bám trên những con tàu "không số" và đối diện với nhiều rủi ro, bất trắc…