Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngọn lửa tình thơ muộn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhà thơ Nguyễn Văn Khánh đến với thơ khá muộn, hơn 50 tuổi mới nhen nhóm ngọn lửa tình thơ. Nhưng những nỗi niềm sâu thẳm, ẩn chứa trong con tim thì đã chất chồng theo ngày tháng, đến giờ như chỉ tự bung ra.

KTĐT - Nhà thơ Nguyễn Văn Khánh đến với thơ khá muộn, hơn 50 tuổi mới nhen nhóm ngọn lửa tình thơ. Nhưng những nỗi niềm sâu thẳm, ẩn chứa trong con tim thì đã chất chồng theo ngày tháng, đến giờ như chỉ tự bung ra.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Lai, xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, anh tự nhận mình là “Chàng trai thợ cày” - người nông dân giản dị, chân quê, nhưng có một trái tim  luôn giành trọn tình yêu cho thơ và cuộc đời.  
     
Nguyễn Văn Khánh say mê làm thơ từ thuở nhỏ, nhưng đến quá nửa đời người mới thực hiện ước mơ đó và hết lòng với nó. Bây giờ, ngay cả trong bộn bề công việc, trên ngực anh lúc nào cũng cài sẵn chiếc bút cùng quyển sổ nhỏ để viết ra ý tưởng mỗi khi tứ thơ ùa về. Có câu thơ viết ra chưa thoát ý, anh tự mình mày mò, sửa đi sửa lại tới vài chục lần. Những hình ảnh trong thơ anh cũng gần gũi như những cô thôn nữ gánh lúa, đặc sản tương Bần, nhãn lồng, dòng kênh Bắc Hưng Hải... mọi thứ đến từ trong tiềm thức tâm trí của anh, nuôi dưỡng những khát vọng cho tâm hồn anh để thăng hoa thành thơ. Từ tác phẩm đầu tay “Đây là quê tôi” viết năm 1999 được Nhạc sĩ Hoài Thái phổ nhạc, Nguyễn Văn Khánh bắt đầu sáng tác nhiều hơn, với những đề tài chiến tranh cách mạng, tình yêu quê hương, tình yêu con người...
     
Theo dòng lịch sử, thơ Nguyễn Văn Khánh đưa độc giả hồi tưởng  lại những năm dài chiến tranh bom đạn ác liệt. Từng là một thanh niên xung phong, đóng tại Cọc 6, Cẩm Phả, Quảng Ninh, đi nhiều cộng với sự trải nghiệm theo năm tháng đã giúp anh đúc kết nên những vần thơ, một trong những bài thơ đặc biệt ấy là hình ảnh “Mẹ Suốt” trên mưa bom, dưới bão đạn, trong mọi thời khắc vẫn hiên ngang nơi đầu sóng, ngọn gió trong “Một thoáng Quảng Bình”. Khi đọc bài thơ này của anh, chính giáo sư Dương Viết Á đã bộc bạch: “Tôi vốn là một con dân Quảng Bình. Vậy nên khi đọc bài thơ “Một thoáng Quảng Bình”, tôi lại bồn chồn nhớ tới quê hương! Bắt gặp những địa danh “Nhật Lệ”- dòng sông tôi đã từng tắm mát; “Đèo Ngang”- nơi tôi từng trèo đồi hái sim..., rồi hình ảnh “Mẹ Suốt” lừng lững chèo thuyền giữa mưa bom bão đạn, hình ảnh “khoai lang”; “đọi”; “chè xanh”;... Tất cả sống dậy trong tâm tư tình cảm của tôi. Có lẽ không chỉ là con dân Quảng Bình mà mọi con dân đất Việt, khi đọc  tám câu thơ trên, chắc sẽ cùng chung dòng cảm nhận về quê hương mình”.
     
Qua thơ Nguyễn Văn Khánh cũng như nghe được tiếng lòng sâu thẳm, thấy được cuộc đời thực tại của anh, phải chịu nhiều thiệt thòi, lắm gian truân trong cuộc sống, anh làm thơ như trao gửi nỗi niềm đang đầy ắp con tim. Nhân “Ngày lễ tuyên dương các thầy cô xuất sắc trong cả nước, tại đền thờ Nhà giáo Chu Văn An (22/8/2009)”. Nguyễn Văn Khánh có bài thơ “Hiến dâng” được lưu tại đền thờ (Mười hai năm lẻ công đèn sách/ Đất nước cần tuổi trẻ hiến dâng). Chàng trai thợ cày yêu say đắm, luôn “Cất giấu nụ  hôn vào trái tim”. Một tình muộn sâu thẳm, thật  đẹp và đáng được nâng niu trân trọng. Trong anh có một ngọn lửa mãnh liệt, luôn nhen nhóm để những thanh củi mà cả cuộc đời lặn lội tìm kiếm, cất giấu một ngày nào đó có dịp được bùng cháy. Đọc thơ anh, chúng ta bắt rất nhiều hình ảnh mới lạ, những động từ mạnh và táo bạo: “Sóng xô đè vỡ trăng non”; “Trăng lên trăng tưới cánh rừng thâu đêm”; “Đớp trăng vỡ vụn tan tành”; “Gió hờn vén cả áng mây - Ánh trăng rắc xuống khóm cây lại hồi”...
     
Trong anh sự cảm nhận về tình yêu đến với thơ không gượng ép, mà thật nhẹ nhàng và đằm thắm, như một dòng chảy thể hiện rõ sự trăn trở suy tư, cá tính rất riêng của anh. Thơ  Nguyễn Văn Khánh hòa quyện vào nhạc. Rất nhiều tác phẩm của Nguyễn Văn Khánh đã được các nhạc sĩ yêu mến phổ nhạc, nhạc điệu chắp cánh cho thơ anh có đủ sức mạnh bay lên cất cao lời thơ tiếng hát như “Tình người Văn Giang” - Nhạc sĩ Đoàn Bổng; “Quê hương huyền thoại” - Nhạc sĩ Thuận Yến; “Cảm xúc Đông Sơn” - Nhạc sĩ Thế Song; “Đây là quê tôi” - Nhạc sĩ Hoài Thái.
     
Nguyễn Văn Khánh tự nhận mình là “Chàng trai thợ cày” - Người nông dân giản dị, chân quê, một trái tim  luôn dành trọn tình yêu cho thơ và cuộc đời.  Hình ảnh “Chàng trai thợ cày” không chỉ hiện diện trong những tác phẩm thơ ca mà cuộc đời anh luôn tìm kiếm sáng tạo. Một dạo anh làm cán bộ ở Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) - Hội Nhà Văn Việt Nam, anh là người sáng lập ra CLB nghệ sĩ GoldMalt hiện anh đang giữ vai trò chủ nhiệm. (GoldMalt theo tiếng Anh là chất lượng vàng của lúa mạch, nguyên liệu chính để làm thành bia GoldMalt, một hãng bia nổi tiếng có nguồn gốc của Tiệp). Đồng thời anh đã có ý tưởng tới đây sẽ thành lập CLB bồi dưỡng tài năng thơ trẻ Đoàn Thị Điểm. Lao động sáng tạo nghiêm túc, say mê và rất khắt khe với ngòi bút của mình, Nguyễn Văn Khánh triết lý thành một tuyên ngôn nghệ thuật và theo anh xuyên suốt cuộc đời sáng tác: “Sai lầm một nét chữ/ Tim ta rối tơi bời/ Người đời soi cho ta/Ta thu mình nhỏ lại/ Để còn cơn khát thèm...”.