Ngọt mát bánh gio ngày Tết cổ truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo người dân Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội từ xa xưa, chiếc bánh gio đã được coi như một sản vật quê nhà không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi dịp lễ Tết truyền thống của người dân nơi đây.

 Chiếc bánh gio được coi như một sản vật quê nhà không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi dịp lễ Tết truyền thống của người dân Hoài Đức.

Vị ngọt của mật mía, vị man mát của bánh, vị dẻo thơm của nếp, thoang thoảng mùi hương ngai ngái của lá chít, nồng nồng của gio, của vôi… hòa quyện tạo nên hương vị của bánh gio.
Ngọt mát bánh gio ngày Tết cổ truyền - Ảnh 1
Bánh gio còn được gọi là bánh tro là món quà quê dân dã, mộc mạc, dung dị và rất đỗi thân quen. Cái thứ bánh làm từ gạo nếp, nước tro vậy mà lại có sức mê hoặc người ăn lạ kỳ. Bánh có một hương vị lạ, lạ đến nỗi mỗi năm chưa ăn nó một lần là thắc thỏm nhớ. Nỗi nhớ ấy càng dâng đầy khi thời tiết giao mùa.

Theo người dân Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội từ xa xưa, chiếc bánh gio đã được coi như một sản vật quê nhà không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi dịp lễ Tết truyền thống của người dân nơi đây.

Làm bánh gio phải trải qua nhiều công đoạn tỷ mỷ từ khâu chọn nguyên liệu đến cách làm. Để làm được một mẻ bánh gio thường phải mất cả ngày với nhiều công đoạn từ chế nước tro, ngâm rửa lá rong, ngâm gạo đến gói bánh và luộc bánh. Nguyên liệu chính là gạo nếp. Gạo để làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng của vụ mùa mới, nhặt hết những hạt tẻ lẫn vào, vo gạo bằng nước thật sạch, để ráo. Gạo nếp sẽ được ngâm kỹ với nước tro.

Lá dùng để lấy tro cũng khác nhau, ở Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội nước ngâm gạo được lấy từ tro của cây dền gai, rơm nếp, vỏ bưởi, ở Phú Yên là tro của cây tầm gửi, bưởi, cây vừng còn ở Yên Lãng, Thanh Hóa là tro của rơm nếp, bẹ cau nếp, quả vừng và măng tre, Phú Thọ là lá gai lễ ốc, lá tầm gửi, thân lá cây vừng khô hoặc hạt xoan chín cùng rơm nếp...

Các loại lá này được đốt lên, lấy tro. Thứ tro này được rây cho mịn đem hòa với nước vôi trong theo một tỷ lệ nhất định để ngâm cùng gạo nếp. Sau đó cho gạo vào nước này ngâm một đêm. Nếu ngâm gạo quá lâu, bánh sẽ bị nồng. Ngâm khi nào ta lấy 2 đầu ngón tay để di hạt gạo thấy vỡ vụn là được. Khi vớt gạo gói bánh cần phải xả với nước thật sạch, xóc với một chút muối, để ráo. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên màu nâu vàng hổ phách, phảng phất hương vôi, ngọt thơm mát, nuột nà hương vị thanh mát đặc trưng của bánh.

Bánh gio ngon nhất là khi được gói bằng lá chít rừng. Lá được chọn là những lá tươi xanh, to bản và lành lặn, rửa sạch luộc kĩ nhiều lần cho phai bớt mùi hăng rồi lau thật khô trước khi gói. Cũng có nơi người ta gói bằng lá dong tẻ luộc hoặc hấp, tước gân lá cho dễ gói nhưng lại không hợp bằng lá chít.

Gạo để vào lòng chiếc lá phải gọn, đều, rồi quấn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít và cân đối để chiếc bánh chín bóc ra nhìn nuột nà, ngon mắt. Người ta có thể gói bánh dài hoặc bánh vuông. Dây buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín đều.

Ai đã từng thưởng thức mới biết món bánh này đặc biệt đến thế nào, lần tay bóc từng lớp lá, khi lớp lá cuối cùng được bóc ra, chiếc bánh như một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra, có thể nhìn thấu bên trong khối ngọc đó từng hạt gạo nếp nhỏ óng ánh, trong suốt mà vẫn đậm đặc. Bóc bánh đặt vào lòng chiếc đĩa sứ trắng tinh, tưới nhẹ lên đĩa bánh những giọt mật mía ngọt sắc, tạo thành những sợi mật vàng óng, kéo dài sóng sánh. Cắt từng miếng nhỏ, nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía màu vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha thưởng thức mới thấy hết sự hòa quyện ngọt mát hấp dẫn này.

Trong không khí giao mùa, ngồi quây quần bên nhau cùng nhâm nhi từng miếng bánh mới thấy vị mát đến nơi đầu lưỡi, rồi vị ngọt lịm của mật mía, quyện cùng vị dẻo của gạo nếp, lẩn quất trong miệng có cả mùi nồng của nước vôi, hương vị thanh vẫn nồng của lá chít mà không vương một chút béo ngấy nào của mỡ, của thịt… tất cả quyện vào nhau tạo thành hương vị đồng quê khiến ta chợt thấy nao lòng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần