Ngư dân Quảng Nam gặp khó vì hải sản rớt giá

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đầu ra các loại hải sản bấp bênh, sức mua giảm, giá cả xuống thấp, chi phí nguyên liệu lại tăng cao khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Giá mua giảm mạnh
Ghi nhận tại cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành), nhiều tàu cá liên tục cập bến sau chuyến vươn khơi dài. Điều trái ngược là trong lúc thuyền ra vào nhiều nhưng lại không có thương lái tới cảng thu mua. Theo nhiều ngư dân, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra hải sản không tiêu thụ được. Giá cả theo đó giảm mạnh khiến hầu hết ngư dân đều lo lắng.
“Hàng tháng trời lênh đênh ngoài biển khơi, nhưng khi tàu cập bến thì không thấy thương lái đến thu mua”, ngư dân Huỳnh Văn Tô (ở xã Tam Quang) buồn bã nói.
Ngư dân chuẩn bị vươn khơi trở lại. Ảnh: Công Huy
Ông Tô cùng 6 bạn thuyền vươn khơi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa hơn 1 tháng nay được hơn 4 tấn cá nục và cá ngừ. Với giá bán từ 17.000 đến 20.000 đồng/kg cá nục, 20.000 đồng/kg cá ngừ, chuyến biển này không đủ bù chi phí, lại còn lỗ 40 triệu đồng.
“Mỗi chuyến ra khơi, tôi phải bỏ ra gần 100 triệu đồng tiền chi phí. Đắt đỏ là vậy nên anh em chúng tôi cố gắng đánh bắt nhưng không may cá quá ít. Đã thế, cá đánh bắt về rớt giá thê thảm. Tiền bạn thuyền không đủ trả chứ nói gì đến tiền trả ngân hàng, tiền cho con cái ăn học”, ngư dân Tô trầm ngâm nói.
Ông Tô cho rằng, nguyên nhân khiến giá hải sản giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết nhà hàng, quán ăn, khách sạn phục vụ khách du lịch đều tạm ngưng hoạt động nên sức mua giảm. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hải sản vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên trong mùa dịch tương đối khó khăn nên thương lái thu mua với giá thấp, cầm chừng.
Tương tự, ngư dân Huỳnh Văn Trương (trú xã Tam Quang) thuyền trưởng tàu QNa 91144 -TS cũng không mấy vui vẻ trong chuyến biển vừa qua. Bởi, những thành quả lao động cực nhọc của 14 thuyền viên trên tàu được thu mua với giá chỉ bằng một nửa so với trước kia.
“Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nghề đánh bắt hải sản của chúng tôi. Trước khi dịch bệnh bùng phát, giá một ký cá ngừ dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng thì nay chỉ còn một nửa. Sau khi bán ra, trừ chi phi xăng dầu, đá lạnh, nhu yếu phẩm… còn đủ tiền để trả cho thuyền viên”, ngư dân Trương chia sẻ.
 Tàu thuyền cập cảng ở cảng Kỳ Hà. Ảnh: Công Huy
Vẫn quyết tâm bám biển
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ ngư dân lao đao do hải sản rớt giá thê thảm, mà các cơ sở thu mua, chế biến mặt hàng này cũng gặp khó. Dây chuyền máy móc dừng hoạt động, hải sản bị dồn ứ, người lao động thì rơi vào cảnh thất nghiệp.
Chịu áp lực lớn về kinh tế nhưng không nỡ để tàu nằm bờ, cũng như phải giữ chân thuyền viên, các chủ tàu vẫn cố gắng vươn khơi bám biển sản xuất. Những giải pháp như đi ngắn ngày, giảm bớt lao động được thực hiện để vượt qua giai đoạn trước mắt.
Bà Võ Thị Kiều, một đầu nậu thu mua hải sản tại cảng Kỳ Hà cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua trên thị trường sụt giảm so với trước. Hầu hết hải sản đều bị rớt giá, những đầu nậu hải sản như bà chỉ mua cầm chừng để giữ chân bạn hàng và bán lại cho các chợ trong nội tỉnh mà thôi.
“Những chiếc xe chuyên chở hải sản thường ngày cho đối tác ở các tỉnh phía Nam hiện nay không thể hoạt động được vì mang biển kiểm soát Quảng Nam, địa phương có dịch. Do đó nếu thuê xe và tài xế tỉnh khác thì chi phí đội khá cao, thậm chí thua lỗ”, bà Kiều nói.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, thị trường tiêu thụ thủy hải sản vẫn diễn ra bình thường vì đây là mặt hàng thực phẩm thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nên một vài thời điểm giá hải sản có giảm so với trước khiến người dân chịu thiệt hại lớn về kinh tế.
Ngư dân chuẩn bị cho chuyến vươn khơi. Ảnh: Công Huy
“Các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy hải sản xa bờ đều đã được chính phủ ban hành và triển khai, thông tin đến người dân. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh đã được cụ thể hóa, đưa về các địa phương quản lý. Lãnh đạo Sở cũng quan tâm đề nghị ban quản lý các cảng cá hướng dẫn ngư dân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách để thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch”, ông Ngô Tấn nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay tỉnh Quảng Nam có 730 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ. Trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng đánh bắt hải sản toàn tỉnh đạt 77.000 tấn, tăng 3% so với năm 2020. Đó là kết quả thật đáng trân trọng, bởi trong tình cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi mưu sinh và bám biển. 
“Dù giá hải sản có rớt bao nhiêu đi chăng nữa, dù mỗi chuyến ra khơi có thua lỗ đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn quyết bám biển. Nếu chúng tôi không vươn khơi ai sẽ bám chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Từ đời cha ông chúng tôi đến nay đều sống nhờ vào biển. Với chúng tôi, biển là nhà, là Tổ quốc. Chúng tôi bám biển không còn đơn thuần là trọng trách kinh tế nữa mà là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” - ngư dân Huỳnh Văn Trương.