Ngư dân Quảng Ngãi nhận “lộc biển” cuối năm

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng thời tiết nên mùa ruốc năm nay đến chậm hơn so với những năm trước, nhưng bù lại ngư dân đánh bắt ruốc ở làng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại phấn khởi vì mùa ruốc này trúng đậm. Không khí trong làng những ngày cuối năm âm lịch lại càng thêm phấn khởi, rộn ràng.

 Phương tiện hành nghề chỉ là ghe, tàu gắn máy nhỏ, với công suất từ 20 - 60 mã lực

Đang kiểm soát những gánh ruốc được vận chuyển lên xe để giao cho thương lái, bà Bùi Thị Phượng (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) chia sẻ, mỗi chuyến đi, ghe của gia đình bà đưa vào bờ từ 3 - 5 tạ. Ngay trên bờ đã có lực lượng đợi sẵn để vận chuyển ruốc từ ghe, thuyền lên xe. Ruốc được bán cho thương lái khắp nơi. Sau mỗi đợt bán, ghe, thuyền lại tiếp tục quay ra biển đánh bắt. Mỗi ngày đi khoảng vài chuyến.
“Mỗi năm chỉ có một mùa ruốc. Năm nay giá ruốc khô dao động từ khoảng 70.000 - 110.000/kg, ruốc tươi thì khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg. So với năm ngoái giá có thấp hơn, nhưng bù lại sản lượng ruốc cao hơn”, bà Phượng cho biết.
Nhiều ngư dân cho biết, ruốc năm nay xuất hiện chậm hơn nhưng lại nhiều hơn. Mọi năm từ khoảng cuối tháng 11 âm lịch đã vào mùa ruốc, nhưng năm nay thì từ khoảng 19 tháng 12 âm lịch ruốc mới xuất hiện dày đặc. Thông thường, ruốc kéo dài đến tháng giêng âm lịch mới hết mùa.
Anh Nguyễn Trung Tuấn (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cùng 5 ngư dân cho thuyền ra khơi từ 4 giờ sáng. Hơn 1 tuần qua đàn ruốc kéo nhau về dày đặc vùng biển gần bờ của huyện Bình Sơn. Do đó, mỗi mẻ lưới của tàu anh Tuấn có thể bắt được từ 70 - 90 kg ruốc tươi. “Năm nay ruốc về dày hơn năm ngoái. Mỗi ngày có thể bắt được từ 2 - 3 tấn, tàu nào trúng có thể hơn 4 tấn”, anh Tuấn nói.
 Thông thường mùa ruốc kéo dài từ tháng 11 năm này sang tháng giêng âm lịch năm sau
Với địa điểm đánh bắt chỉ nằm cách bờ khoảng chục hải lý nên phương tiện hành nghề chỉ là ghe, tàu gắn máy nhỏ, với công suất từ 20 - 60 mã lực. Bình quân mỗi ghe, thuyền ra khơi thường có từ 4 - 8 người, với số lượng ruốc đánh bắt được từ 3 - 5 tạ/chuyến, mang lại thu nhập bình quân cho mỗi ngư dân tham gia đánh bắt ruốc hàng triệu đồng/ngày.
Được mùa ruốc cuối năm, các dịch vụ “ăn theo” khác như làm thuê, gánh bưng ruốc, phơi ruốc, đóng gói... cũng phát triển, tạo được việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương với mức trả công khoảng 150 nghìn đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, mùa ruốc được ngư dân xem là “lộc biển” vào dịp cuối năm. Vào mùa này, có hàng trăm ngư dân xã Bình Châu tham gia đánh lưới mành bắt ruốc kiếm thu nhập chi tiêu trong dịp Tết.
“Vụ ruốc dịp cuối năm là cơ hội để ngư dân đánh bắt gần bờ có thêm thu nhập. Năm nay tuy giá ruốc thấp hơn mọi năm nhưng bù lại sản lượng lại tăng cao, do đó nhiều ngư dân có thu nhập rất khá. Nhờ ruốc mà đón Tết đầy đủ hơn”, ông Hùng chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần