Dù sóng chưa tan sau đợt thời tiết xấu, nhưng hàng trăm ngư dân hành nghề thuyền thúng ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn vượt sóng ra biển khai thác hải sản.
Theo kinh nghiệm được truyền lại, trước và sau mỗi cơn bão, áp thấp nhiệt đới, các loại hải sản tìm về vùng biển ven bờ tránh trú, tìm kiếm thức ăn. Thời gian này, nếu khai thác hải sản sẽ vừa được mùa, vừa được giá.
“Trời êm biển ít cá nhưng khi gió bão lại nhiều. Giá cá mùa này cũng tốt, cao hơn vài chục nghìn đồng mỗi ký, có khi cả trăm nghìn đồng”, ngư dân Nguyễn Văn Dũng (xã Bình Châu) chia sẻ.
Chính vì lẽ đó, khi biển động, gió cấp 6, cấp 7, ngư dân hành nghề thuyền thúng ở các vùng bãi ngang ven biển của tỉnh Quảng Ngãi lại đi khai thác. Tuy nhiên, đánh bắt trong lúc thời tiết xấu, thông tin kết nối biển bờ hạn chế nên thường xuyên xảy ra tai nạn.
“Đánh ở gần bờ nên cố gắng đi, nhưng lúc trúng sóng gió vào không kịp là nguy. Lưới cá dài, khi có gió kéo không kịp nên cũng rất nguy hiểm”, ngư dân Võ Văn Cường (xã Bình Châu) cho biết.
Thời tiết biển nguy hiểm, mặc dù đã nhận được cảnh báo, nhưng nhiều ngư dân vẫn chèo thúng giăng câu, thả lưới. Sự chủ quan, khinh suất với kinh nghiệm nhìn trời, đoán gió của ngư dân chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chết người, mất tích xảy ra vào mỗi mùa mưa bão.
Mới đây nhất, ngày 16/10, dù thời tiết xấu nhưng ông Bùi Th. (thôn Châu Thuận Tây, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vẫn dùng thuyền thúng đi khai thác ở vùng biển ven bờ.
Khoảng 1 tiếng sau đó, số người dân tìm thấy dầm bơi thuyền thúng (mái chèo) của ông Th. trôi trên biển, gia đình cũng không liên lạc được với ông Th. Nghi ngờ thuyền thúng của ông Th. bị sóng đánh chìm, gia đình nạn nhân đã báo cho cơ quan chức năng và phối hợp tổ chức tìm kiếm. Ngày hôm sau, nạn nhân được tìm thấy nhưng đã tử vong.
Năm ngoái, cũng vào trung tuần tháng 10, ông Phùng Hữu Ngh. (45 tuổi) và ông Trần Văn X. (31 tuổi), đều trú ở xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) sử dụng thuyền thúng đi khai thác hải sản tại vùng nước cảng biển Dung Quất.
Đánh bắt trong lúc thời tiết có sóng to, gió lớn nên dầm điều khiển thúng bị gãy, thuyền lật úp, ông Ngh. đuối nước mất tích, ông X. may mắn thoát ra ngoài và được cứu sống.
Chỉ quanh quẩn gần bờ, chiếc thuyền thúng và vài ba tay lưới là phương tiện mưu sinh của nhiều ngư dân làng biển. Thế nhưng, việc bất chấp nguy hiểm để khai thác vào thời điểm biển động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhiều khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp được chính quyền và cơ quan chức năng tập trung thực hiện.
Theo Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Hải, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi- Thiếu tá Trần Thế Vinh, trong mùa mưa bão, đơn vị cử các tổ đội công tác địa bàn xuống phối hợp với thôn, xóm tuyên truyền vận động ngư dân không tự ý, không vì mưu sinh mà bất chấp thời tiết nguy hiểm, vượt bãi ngang đi hành nghề.
“Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng cần tuyên truyền, cảnh báo, cập nhật thông tin thời tiết cho ngư dân để giảm thiểu trường hợp thiệt người, mất của vì sự chủ quan và thiếu hiểu biết”, Thiếu tá Vinh nói.
Quảng Ngãi đang mùa mưa bão, ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo của cơ quan chức năng, mỗi ngư dân cũng cần nâng cao ý thức đảm bảo an toàn để không xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc trên biển.