Ngủ ngày quá nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh hô hấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người ngủ trưa hơn một giờ mỗi ngày có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh về hô hấp trong tương lai, bao gồm cả bệnh viêm phế quản, tràn khí phổi và viêm phổi.

Một giấc ngủ trưa có thể khiến bạn sảng khoái tinh thần trong ngắn hạn. Tuy vậy, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học đăng tải trên tạp chí Dịch tễ học của Mỹ (American Journal of Epidemiology) cho rằng những người ngủ trưa hơn một giờ mỗi ngày có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh về hô hấp trong tương lai, bao gồm cả bệnh viêm phế quản, tràn khí phổi và viêm phổi.

 
(Nguồn: Thesportinmind)
(Nguồn: Thesportinmind)
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) đã phân tích lối sống của 16.000 người trưởng thành Anh tình nguyện tham gia một dự án khoa học kéo dài 13 năm nhằm tìm hiểu căn nguyên các bệnh ung thư.

Trong một phần của dự án này, những người tham gia đã trả lời câu hỏi về thói quen ngủ, bao gồm cả việc liệu họ có hay ngủ trưa không.

Sau khi phân tích các dữ liệu, các nhà khoa học nhận thấy rằng những người ngủ ít hơn 1 giờ vào ban ngày có nguy cơ tử vong là 14%, nhưng tỷ lệ này tăng lên 32% đối với những người dành hơn một giờ cho việc ngủ ngày.

Các nhà khoa học cũng phám phá ra mối liên hệ giữa giấc ngủ dài vào ban ngày với các bệnh về hô hấp khi chỉ ra rằng những người trưởng thành hay ngủ ngày có nguy cơ chết vì các bệnh hô hấp cao hơn 2,5 lần so với những người chỉ ngủ vào ban đêm, bởi giấc ngủ ngày có thể gây ra các chứng viêm trong cơ thể.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng chính nhu cầu ngủ ngày là một dấu hiệu cho thấy người ta đã mắc một chứng bệnh về phổi.

Tuy nhiên, trên tờ Daily Mail của Anh, giáo sư Jim Horne thuộc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Loughborough, cho rằng nghiên cứu trên cũng đã cho thấy phần lớn - khoảng 85% - những người ngủ trưa ít hơn 1 giờ có tỷ lệ rủi ro về sức khỏe không lớn hơn những người không ngủ trưa. Do đó, ông cho rằng giấc ngủ trưa ngắn thực sự có lợi cho sức khỏe chứ không phải ngược lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần