Từng bước chuyển đổi năng lượng xanh
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 là động thái tích cực của Chính phủ nhằm xem xét lại tình hình trong nước về khả năng cung ứng sản phẩm, linh phụ kiện sản xuất các thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp đến đâu để có giải pháp tiếp theo.
Bởi, yêu cầu ngừng nhập khẩu, ngừng sản xuất, dừng bán các thiết bị như: Bóng đèn huỳnh quang compact, bếp hồng ngoại, bếp từ có liên quan đến bài toán chuyển hóa sang năng lượng xanh của quốc gia.
“Đây là bài toán mà Nhà nước phải tính toán lâu dài, thận trọng. Nếu để cho nhập khẩu hay sản xuất bữa bãi, thiếu kiểm soát các thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp, sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của quốc gia” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khuyến cáo: Việc tiết kiệm năng lượng thông qua việc cải thiện, hành vi sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong khu vực dân cư là vô cùng quan trọng. Các giải pháp trong khu vực dân cư sẽ thiên về việc khuyến khích tự nguyện.
Đối với nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, cơ quan Nhà nước cần bắt buộc những doanh nghiệp này cung cấp thông tin về tiêu thụ năng lượng của các phương tiện thiết bị minh bạch, tin cậy. Đó là thông qua việc dán nhãn năng lượng trung thực của doanh nghiệp, người dân chủ động lựa chọn mua sắm các sản phẩm hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ năng lượng của gia đình theo hướng tiết kiệm.
Mới đây, ngày 24/5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg quy định về Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ (không cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh trong nước). Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/7/2023.
Theo đó, danh mục các nhóm phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ, bao gồm:
Nhóm thiết bị gia dụng: Bóng đèn huỳnh quang compact, balát điện tử dùng cho bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang ống thẳng, bình đun nước nóng có dự trữ, bếp hồng ngoại, bếp từ, đèn LED, máy điều hòa không khí không ống gió... sẽ không được phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh trong nước.
Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Màn hình máy tính, máy photocopy, máy in, máy tính xách tay, máy tính để bàn và tủ giữ lạnh thương mại.
Nhóm thiết bị công nghiệp: Động cơ điện không đồng bộ ba pha roto lồng sóc, máy biến áp phân phối, đèn điện led chiếu sáng đường và phố, nồi hơi trong xí nghiệp công nghiệp.
Cấp bách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, lượng tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực tòa nhà và hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia (xấp xỉ 20%), trong đó riêng năng lượng điện chiếm khoảng 70% tiêu thụ năng lượng trong các hộ gia đình thông qua các thiết bị như: Tủ lạnh, máy điều hòa không khí, đèn chiếu sáng, máy đun nước nóng...
Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng trung bình khoảng 7%/năm, riêng nhu cầu về điện tăng trưởng trung bình 9,5%/năm để đáp ứng tăng trưởng GDP bình quân từ 6-7%/năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngành năng lượng Việt Nam đang phải đối mặt với hai thách thức lớn đó là: Vừa phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước với giá cả hợp lý để nền kinh tế và người dân có thể chịu được; vừa phải thực hiện chuyển dịch năng lượng, thực hiện lộ trình trung hoà carbon vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu).
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới diễn ra phức tạp, khó lường, các nguồn năng lượng hoá thạch đang ngày càng cạn kiệt, các nguồn năng lượng tái tạo giá thành còn cao và thiếu ổn định, chưa hoàn toàn thay thế được năng lượng truyền thống.
Để đảm bảo nhu cầu năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, trở thành giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.