70 năm giải phóng Thủ đô

Người biến đất cằn thành trang trại tiền tỷ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ giúp gia đình thu về hàng tỷ đồng mỗi năm, “trang trại vàng” của chị Phùng Thị Thơ (SN 1960), hội viên Hội Phụ nữ thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội) còn tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên, giúp đỡ 7 hộ nghèo phát triển kinh tế.

Chị là một trong 8 cá nhân được trao tặng danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu 2016.

Chị Phùng Thị Thơ tại Lễ trao tặng danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016. Ảnh: Thảo Trần

Vừa trò chuyện với chúng tôi, bà chủ trang trại vừa thoăn thoắt làm việc không ngừng nghỉ. Câu chuyện làm giàu của chị cũng giản dị như chính con người chị. Với hoàn cảnh gia đình là nông dân thuần túy, nguồn thu chính để nuôi bố mẹ già và 3 con nhỏ ăn học chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phần lương bộ đội ít ỏi của chồng. Cho đến năm 2010, khi địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, gia đình chị Thơ đã mạnh dạn nhận thầu 12ha đất đồi trống cằn cỗi theo hình thức khoán 50 năm của xã Vật Lại. Chị bảo, ngày ấy, cả vùng đồi mênh mông ở thôn Vật Yên - xã Vật Lại chỉ trơ một màu đất cằn bàng bạc, sỏi đá nhấp nhô, không cây gì sống nổi. Lúc đó, tài sản duy nhất và cũng là lớn nhất của gia đình chị là một con trâu. Chính "đầu cơ nghiệp" ấy đã gắn bó cùng chị suốt những năm khai hoang, vỡ đất. Vất vả không kể siết, nhưng với suy nghĩ “cái nghiệp làm nông nó vận vào mình rồi. Người yêu đất, đất không phụ người đâu...", nên sau những thất bại trồng sắn, chị vẫn đau đáu với câu hỏi "Làm thế nào để giải quyết bài toán chống xói mòn cho vùng đất đồi và bảo đảm hệ thống tưới tiêu?". Chị quyết tâm mua sách về tự mày mò, nghiên cứu. Hễ nghe ở đâu có mô hình làm kinh tế trang trại hiệu quả là chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
Sau khi được bạn bè, người thân giúp đỡ với nguồn vốn ít ỏi, chị Thơ cùng gia đình tiến hành xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại vườn - ao - chuồng. Tuy vậy, bước đầu khởi nghiệp, gia đình chị tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn khi nguồn vốn có hạn, giá cả thị trường biến động… Không ít lần, bản thân chị và gia đình nản chí muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của Hội LHPN, Chi hội Nông dân xã Vật Lại, tạo điều kiện cho chị được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu, chị đã kiên trì, khắc phục khó khăn, không ngừng tích lũy kinh nghiệm. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất của gia đình đã dần đi vào ổn định và mang lại hiệu quả đáng kể.
Sau những tháng ngày vất vả, thành quả mà gia đình chị Thơ đạt được là những vạt đồi phủ kín cây xanh, là những màu vàng ngút ngát mỗi độ cây vào mùa trái chín. Gia đình chị đã từng bước vươn lên trở thành hộ giàu có. Mô hình trang trại đạt quy mô trên 12ha, với 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; 11ha vườn trồng hơn 1.000 cây bưởi Diễn, 25 vạn gốc dứa và 1.000m2 chuồng trại nuôi 15 lợn nái, 100 lợn thịt và các loại gia súc, gia cầm đặc sản: Nhím, lợn rừng, 10.000 gà thả đồi, cho tổng doanh thu 1,8 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu nhập đạt gần 700 triệu đồng.
Thành công từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, gương làm giàu của gia đình chị Thơ trở thành tấm gương cho những hộ dân trong vùng học tập, làm theo. Hễ ai có nhu cầu học tập kinh nghiệm nuôi trồng, chị Thơ đều tận tình giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, vật tư để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Không chỉ đạt danh hiệu 10 năm liên tục là “hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp TP”, hàng năm, gia đình chị luôn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào từ thiện nhân đạo. Đặc biệt đối với những hộ nghèo, ngoài việc vận động bà con trong chi hội giúp đỡ, hàng năm, gia đình chị còn chủ động nhận giúp đỡ 5 - 7 hộ nghèo về vốn, việc làm... để phát triển sản xuất, giải quyết lao động dư thừa, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.