Người cao tuổi và người có bệnh nền cần phải tiêm vaccine Covid-19

Trà Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, ung thư… nên tiêm vaccine Covid-19 sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Cán bộ y tế huyện Sóc Sơn tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân ngày 25/7. Ảnh: Thu Thủy.
Theo các chuyên gia y tế, vaccine Covid-19 chính là “lá chắn thép” hữu hiệu nhất bảo vệ sức khỏe mỗi người dân. Đặc biệt, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền cần tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt, bởi độ tuổi càng cao, sức đề kháng càng giảm, khiến hệ miễn dịch của cơ thể yếu dần, khó khăn trong việc chống lại mầm bệnh. Phổi sẽ là nơi virus tấn công đầu tiên và cũng là bộ phận bị tàn phá mạnh nhất, khiến tình trạng suy hô hấp dễ phát triển.
Với những người cao tuổi, có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, COPD… khi mắc thêm Covid-19, người bệnh phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), thời gian điều trị kéo dài, dễ gây tử vong. Chính vì vậy, người già, người có bệnh lý nền là nhóm đối tượng cần được bảo vệ, ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng, đồng thời kiểm soát các bệnh lý nền và nâng cao thể trạng để phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả.

Trước lo ngại về biến chứng sau tiêm, bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC khẳng định: “Biến chứng nghiêm trọng do vaccine Covid-19 là cực kỳ hiếm gặp, trong khi đó lợi ích do vaccine và tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, hiệu quả và công bằng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Trì hoãn tiêm hay “kén chọn” vaccine vào lúc này chính là rào cản lớn, làm chậm tiến độ thực hiện mục tiêu sớm tạo miễn dịch cộng đồng nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Cũng theo bác sĩ Chính, để hỗ trợ thực hiện và đảm bảo an toàn cho người được tiêm, đặc biệt nhóm đối tượng nguy cơ cao phản ứng sau tiêm, công tác khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm cần được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình. Mặc dù tỷ lệ xảy ra phản ứng phản vệ là rất hiếm nhưng tất cả nhân viên y tế, trang thiết bị luôn nằm trong tình trạng sẵn sàng khởi động để không bao giờ bỏ qua “cơ hội vàng” cứu bệnh nhân.

Thông thường, tại các điểm tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ yêu cầu người được tiêm sau khi chủng ngừa ở lại cơ sở để theo dõi các phản ứng sau tiêm nhằm phát hiện các biến chứng sớm và nặng, như phản ứng phản vệ. Các phản ứng phụ sau tiêm vaccine thường là:

Phản ứng “giả cúm” phổ biến: Đau, mẩn đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm; mệt mỏi; đau đầu; đau cơ; ớn lạnh; sốt; buồn nôn... Các triệu chứng sẽ tự khỏi và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo các chuyên gia y tế, đây là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang xây dựng hàng rào bảo vệ Covid-19.

Phản ứng phản vệ: Đây là trường hợp rất hiếm gặp. Các triệu chứng nhận biết sốc phản vệ gồm: Mề đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực; đau bụng, nôn, tụt huyết áp; rối loạn ý thức... Khi gặp các dấu hiệu trên, người được tiêm cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần