Người cao tuổi, vốn quý cần được tôn vinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người cao tuổi là vốn vô giá, việc phát huy vốn quý đó có ích cho gia đình, xã hội là trách nhiệm của cả phía người cao tuổi (NCT), gia đình, cộng đồng.

Hiện nay, NCT tại Việt Nam có khoảng trên 10,5 triệu người, chiếm 11,6% tổng số dân của cả nước. Tỷ lệ NCT trong tổng số dân còn tiếp tục tăng lên, do tỷ lệ sinh chậm lại, tuổi thọ của người dân liên tục tăng lên. NCT là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước. Bằng uy tín, hiểu biết, kinh nghiệm, NCT đã có nhiều đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội, là chỗ dựa tinh thần, tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

NCT đã không quan ngại về tuổi tác, sức khoẻ, trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, trực tiếp làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, là nòng cốt tham gia phong trào ở cơ sở, đóng góp ý kiến, phản biện xã hội đối với luật, pháp lệnh, chính sách, các giải pháp quản lý điều hành của Nhà nước, các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở. NCT còn tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, vận động gia đình, con cháu, họ tộc đóng góp hơn 3 nghìn tỷ đồng, hiến hơn 5 triệu m2 đất, 5 triệu ngày công xây dựng các công trình giao thông, phúc lợi ở cơ sở... 

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Đối với gia đình, cộng đồng, xã hội và Nhà nước đã tôn vinh NCT về nhiều mặt, với các hình thức khác nhau. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã tăng từ 69,8 nămn năm 1989 lên 73,2 năm hiện nay; cao thứ 5/11 ở Đông Nam Á, thứ 27/51 ở Châu Á, thứ 102/209 trên thế giới, cao hơn mức 71 năm trong Đông Nam Á, cao hơn mức 71 năm ở Châu Á và 70 năm trên thế giới. 

Trong tổng số NCT của cả nước có khoảng 15% được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng, có khoảng 50% được cấp thẻ bảo hiểm y tế, có khoảng 10% được mừng thọ hàng năm và có gần 10% được thăm hỏi khi ốm đau... 

Trong điều kiện thu, chi ngân sách nhà nước còn chưa cân đối, tỷ lệ bội chi/GDP còn lớn, nhưng Nhà nước vẫn trực tiếp dành 10,7% tổng chi ngân sách (hay 13% tổng thu ngân sách) cho chi lương hưu, bảo đảm xã hội- đó là chưa kể các khoản chi phát triển các sự nghiệp xã hội khác (như y tế, giáo dục- đào tạo, văn hoá, thể thao, phát thanh truyền hình...).

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng để NCT sống vui, sống khoẻ, sống có ích, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc, của đất nước, vẫn phải tiếp tục tôn vinh NCT thông qua việc khắc phục các hạn chế, yếu kém trong các gia đình, xã hội, thực hiện đầy đủ hơn các chính sách đối với NCT...