Người chăn nuôi giảm tái đàn, nguồn cung thịt heo cuối năm có thiếu hụt?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường thời điểm đầu quý 4, các trang trại, hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn để kịp cung ứng thịt lợn vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Tuy nhiên, không khí chăn nuôi tại nhiều địa phương hiện rất ảm đạm, làm dấy lên nỗi lo thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.

Giá lợn hơi giảm mạnh, người chăn nuôi dè dặt tái đàn

Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi phía Nam, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con với gần 3.000 trại và nông hộ, hiện nay nhiều nông hộ đã tạm dừng chăn nuôi.

Chăn nuôi lợn tại một nông hộ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh minh họa
Chăn nuôi lợn tại một nông hộ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh minh họa

Nói về thực trạng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho hay, hơn 2 tháng nay, giá heo hơi xuống rất thấp, duy trì ở mức dưới 54.000 đồng/kg, thậm chí chỉ bán được giá dao động 48.000 – 49.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng.

“Hiện đang là thời điểm nhập heo chăn nuôi phục vụ dịp cuối năm và Tết nguyên đán, song do giá thấp nên bà con rất e dè nhập heo giống tái đàn. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở nguy cơ cao nên các hộ không mặn chăn nuôi” - ông Nguyễn Kim Đoán nói.

Nhiều hộ chăn nuôi đang lo lắng việc các doanh nghiệp lớn liên tục giảm giá bán sẽ kéo giá lợn hơi trên thị trường đi xuống. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) Nguyễn Hưng Thỉnh chia sẻ, khoảng 3 tháng trước, giá lợn hơi tăng lên hơn 63.000 đồng/kg, người chăn nuôi rất vui mừng. Song đến nay, giá lợn hơi chỉ còn 48.000 - 53.000 đồng/kg khiến chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn băn khoăn.

“Trong bối cảnh giá lợn hơi lên xuống thất thường, giá thức ăn chăn nuôi chưa giảm, Hợp tác xã chỉ duy trì tổng đàn 400 con lợn, chưa dám tăng đàn. Song, đáng lo ngại nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp” – Nguyễn Hưng  Thỉnh bày tỏ.

Giá heo hơi hiện đang duy trì ở mức 48.000 - 53.000 đồng/kg. Ảnh minh họa 
Giá heo hơi hiện đang duy trì ở mức 48.000 - 53.000 đồng/kg. Ảnh minh họa 

Lý giải về sự biến động của giá lợn hơi trong những tháng qua, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, vào giữa năm, giá lợn hơi xuất chuồng tăng, có lúc vượt trên 65.000 đồng/kg. Thế nhưng từ cuối tháng 9/2023 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng bất ngờ quay đầu giảm mạnh.

Giá lợn hơi trên cả nước giảm do tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số vùng khiến người dân bán lượng lợn lớn ra thị trường, nên giá có sự chênh lệch giữa các vùng. Trong khi đó, sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu. Ngày 21/10, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong 48.000 - 53.000 đồng/kg; khu vực miền Trung có giá 47.000 - 50.000 đồng/kg; miền Nam giá từ 48.000 - 53.000 đồng/kg. Với giá quanh mốc 53.000 đồng/kg trở xuống thì người chăn nuôi không có lãi, nếu xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg thì chắc chắn người chăn nuôi cầm lỗ.

Không lo thiếu nguồn cung thịt lợn

Về việc người chăn nuôi giảm tái đàn vào thời điểm này, khiến dư luận lo ngại dịp Tết Nguyên đán 2024 tới sẽ thiếu thịt lợn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, sẽ không tình trạng thiếu hụt thịt lợn cuối năm và dịp Tết 2024, bởi khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới và khu vực sẽ có sự trao đổi hàng hoá.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đang giảm do thu nhập hạn chế, dẫn đến giá thịt lợn nhập về sẽ không quá cao, phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 9/2023, sản lượng thịt heo hơi đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 418.930 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt.

Ông Dương Tất Thắng phân tích, khi nền kinh tế hạn chế, chi tiêu sẽ cắt giảm theo. Trong khi đó, tổng đàn lợn cả nước hiện còn gần 27 triệu con, cùng với các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, trứng, thuỷ, hải sản. Do vậy, tổng đàn lợn và các loại thực phẩm chắc chắn đảm bảo nguồn cung cho 100 triệu dân Việt Nam từ nay đến hết tháng 2/2024.

Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong mọi tình huống, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá, theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến cáo, để ổn định chăn nuôi lợn trong nước, nhất là từ nay đến cuối năm, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có mặt hàng lợn hơi thịt lợn; đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển nhập lậu sản phẩm động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật.