KTĐT - Thấy chị gái to tiếng với một người trong họ, anh Thiện ra ngăn cản. Bực tức, Phương lẳng lặng xuống bếp, lấy chày gỗ, lao vào đập tới tấp cho đến khi em trai mình tử vong.
Những nhát chày oan nghiệt
Tìm về thôn Cam, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm những ngày này, đâu đó trong những câu chuyện bên bàn trà, chén nước, chúng tôi được người dân sở tại kể lại sự việc đau lòng tại nhà ông Đinh Văn Cảnh, người thôn Cam.
Hơn ai hết, ông Cảnh là người đau lòng nhất. Con trai ông, anh Đinh Quốc Thiện, 36 tuổi, đã chết. Kẻ sát hại anh Thiện chính là… con gái ông Cảnh, Đinh Thị Minh Phương, SN 1969.
Diễn biến sự việc xót xa trên ra sao, không nhiều người chứng kiến. Nhưng lời khai của Đinh Thị Minh Phương sau đó tại CQĐT CAH Gia Lâm đã khiến nhiều người phải giật mình vì sự tàn bạo, vô tâm của người phụ nữ 41 tuổi này.
Đinh Thị Minh Phương từng sống nhiều năm ở Cộng hòa Liên bang Đức và hôm 22-6 vừa rồi, cô ta về Việt Nam. Ý định của Phương là đưa cô con gái tên Linh sang sinh sống bên Đức. Song ngay khi cầm tấm vé máy bay mẹ đưa, cô con gái đã xé luôn để khẳng định ý chí muốn ở lại quê nhà.
Đây là một trong những tình tiết mà CQĐT CAH Gia Lâm thu thập được để lý giải, đặt giả thiết về động cơ mất hết nhân tính của Phương. Còn khi về thôn Cam, chúng tôi nghe một luồng dư luận khác về động cơ của nữ Việt kiều này. Trong những năm làm việc tại Đức, thỉnh thoảng Phương có gửi tiền về nhờ một người họ hàng giữ hộ.
Nhưng khi về nước, người họ hàng này đã không trả lại tiền cho Phương. Buổi sáng định mệnh 28-6 đó, Phương đã to tiếng với một người trong họ. Em trai Phương, anh Thiện ra ngăn cản, bảo chị về. Về đến nhà, Phương đã dùng tay, chân trút cơn giận lên anh Thiện.
Biết chị đang bực bội, anh Thiện không phản ứng gì. Sự bực bội của Phương càng gia tăng. Cô ta lẳng lặng xuống bếp, lấy chày gỗ, lao vào đập tới tấp cho đến khi anh Thiện gục ngã. Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy: Anh Thiện bị đa chấn thương, xuất huyết não dẫn đến tử vong.
Lý giải động cơ gây án
Theo phân tích của chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội, những vụ án mạng giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do đối tượng bị mắc bệnh tâm thần, thường xuyên ám ảnh, ác cảm đối với thành viên nào đó trong gia đình. Và việc gây án chính là cách để đối tượng tâm thần “giải tỏa” tâm lý ám ảnh đó. Nguyên nhân thứ hai, là những mâu thuẫn âm ỉ, sâu sắc trong nội bộ thành viên gia đình, họ hàng; chủ yếu là mâu thuẫn về kinh tế, hay cách ứng xử với nhau.
Trước vụ Đinh Thị Minh Phương sát hại em ruột, hồi đầu tháng 5 vừa rồi, dư luận không khỏi bàng hoàng bởi vụ án cháu đâm chết người cô ruột, xảy ra tại phường Bồ Đề, quận Long Biên. Đặng Tuấn Dũng, hung thủ vụ án này cũng mắc bệnh tâm thần và từng 2 lần phải vào điều trị tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
Cũng hồi tháng 5 vừa rồi, ở địa bàn quận Đống Đa xảy ra vụ án mạng thương tâm. Trịnh Minh Thu, SN 1972, thuê trọ tại ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, đã dùng dao đâm chết bố đẻ của mình.
Tìm hiểu vụ án, có thể thấy Trịnh Minh Thu là người vừa đáng trách, song cũng hết sức đáng thương. Hành động của Thu là hệ lụy của quá trình dồn nén, ức chế tâm lý quá lâu. Do mâu thuẫn trong sinh hoạt với bố nên đã từ nhiều năm nay, Thu chuyển đến thuê trọ tại ngõ chợ Khâm Thiên.
Mẹ Thu bị tai biến mạch máu não và Thu muốn về thăm, chăm sóc mẹ. Nhưng do mâu thuẫn với bố nên cứ mỗi lần Thu về thăm mẹ, cô đều bị bố chửi đánh, xua đuổi. Uất ức, chiều 30-5, khi về thăm mẹ, Thu mang theo một con dao gấp.
Như những lần trước, giữa hai bố con nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Thu chạy ra đầu ngõ 89 phố Xã Đàn và phát hiện bố cầm gạch đuổi theo. Một tích tắc thiếu kiềm chế, Thu đã rút dao giấu trong người ra đâm trúng vào phần bụng người bố. Và nhát đâm oan nghiệt ấy đã lấy đi tính mạng người cha đẻ của Thu.
Khác với những vụ án mạng khác, hung thủ - đối tượng những vụ án giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng đều khai nhận hết sức thành khẩn hành vi phạm tội của mình. Các bị can, bị cáo đều muốn được sớm thi hành án phạt tù, để xem như một cách giải tỏa tâm lý mà “tòa án lương tâm” đã nghiêm khắc tuyên với họ.
Thế nhưng đằng sau mỗi bản án vẫn là cả sự canh cánh trách nhiệm của cộng đồng. Vì sao những vụ án mạng gia đình đã và đang xảy ra? Liệu có cách nào để giảm, ngăn ngừa những “nỗi đau nhân đôi” này?
(Còn nữa)