Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người chồng cần mẫn

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi lấy anh, chị đã biết anh là người của công việc, cần mẫn đến quên mình. Đó là điều khiến chị thấy anh là thú vị nhưng rồi… trở nên bực bội.

Anh và chị làm việc cùng cơ quan nên hiểu nhau khá rõ. Anh lớn tuổi hơn chị và cái gì cũng xuất sắc hơn chị trong công việc. Anh vốn là người thông minh, lại chăm chỉ nên hiệu suất công việc khó ai bì. Hơn nữa, anh lại khá quan tâm đến đồng nghiệp. Với chị, anh quan tâm đặc biệt hơn, có lẽ như anh sau này đã là chồng của chị nói: “Không hiểu sao anh cứ thấy em lại muốn sán vào”. Vì vậy, mỗi khi không hiểu hay gặp khó khăn vì điều gì đó, chị lại thường nhờ cậy anh. Mỗi lần như vậy, chị lại đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi cách giải quyết sự việc của anh không giống ai. Chị sau khi cảm ơn anh, thường nói, cứ mong có việc để nhờ anh, vì như thế sẽ học được điều mới.
Điều trớ trêu là chị lại được cấp trên tín nhiệm, được làm cấp trên của anh. Ban đầu chị cũng ngại, vì mình nhỏ tuổi hơn anh, và vì mình không giỏi bằng anh. Chị nói điều băn khoăn của mình với anh thì nhận được câu trả lời cũng chẳng giống ai: “Sau này anh là chồng em, chức của em cũng chỉ là nhỏ, ở dưới thôi”.
Người chồng cần mẫn - Ảnh 1
 Ảnh minh họa.
Thế rồi, họ cưới nhau thật. Anh đã hơi luống tuổi nên thích làm đám cưới giản dị, không phô trương. Chị cũng đồng ý. Điều chị cảm thấy phật lòng là sau đám cưới anh đi… làm ngay mà không tổ chức đi chơi tuần trăng mật. Chị hỏi tại sao, anh nói đi chơi làm gì cho lãng phí.

 

Cuộc sống của gia đình chị trôi qua bình thường, lặng lẽ. Họ phần vì bận bịu công việc, phần vì cuộc sống trôi qua ngày này qua ngày khác không có sự biến động lớn nào nên không để ý. Anh thì ngày nào cũng miệt mài hết dự án này đến dự án nọ, gần như không chú ý đến cả… vợ lẫn bản thân. Công việc của anh lúc nào cũng hoàn thành ở mức xuất sắc.

 

Một lần, chị hỏi anh: Nhà mình không tính có con à? Anh nói, anh vẫn sẵn sàng muốn có con thôi, tại vì chưa có nên chưa có! Chị nói, nếu vợ chồng mình lâu rồi mà chưa có con thì nên đến bệnh viện kiểm tra xem sao. Anh gạt phắt, bảo rằng, cứ yên tâm, trời cho ắt hẳn sẽ có con.

 

Chị không ngờ anh là nhà khoa học mà trả lời như vậy. Nhìn sang bạn bè cùng trang lứa đều con lớn cả rồi khiến lòng chị như lửa đốt, còn anh thì vẫn điềm nhiên như không. Với gia đình chị, vấn đề kinh tế không phải là chuyện lớn. Chị và anh cũng khá hòa hợp với nhau trong nhiều vấn đề, nhất là về công việc. Tính anh cũng khá hòa nhã, tế nhị trong cuộc sống gia đình nên chị không hề bị áp lực gì cả. Tuy nhiên, điều khiến chị ngưỡng mộ về anh nay lại khiến chị chán nản: Quá siêng năng. Trước đây, anh làm việc quên cả giờ giấc ở cơ quan, nay anh lại mang việc cả việc về nhà. Cứ xong bữa tối, xem thời sự trên ti vi rồi anh lại vào phòng làm việc. Chị nói: Anh làm việc ở cơ quan chưa đủ sao mà làm cả ở nhà vậy? Anh nói rằng, công việc chưa xong thì phải làm chứ! Chị cũng phì cười vì anh và đùa: “Em là sếp. Em ra lệnh cho anh tạm nghỉ việc, mai đến cơ quan làm việc”. Anh chỉ cười, rồi xách laptop vào phòng bật đèn làm việc.

 

Hôm nay, chị cương quyết bắt anh đi theo chị họp mặt bạn bè cùng lớp. Anh lúc đầu chối nhưng không thể không nghe lời chị vì lần này chị nói một cách hết sức nghiêm túc. Đến nơi, anh chị hòa nhập với những người bạn của chị. Họ đi chơi với những đứa con kháu khỉnh, có đứa đã học cấp 3. Bọn trẻ còn được giới thiệu tham gia văn nghệ, đứa đọc thơ, đứa đàn hát. Chị liếc thấy ánh mắt của anh khi nhìn mấy đứa nhỏ với vẻ thích thú, rạng ngời.

 

Sau bữa tiệc đáng nhớ đó, anh chị đưa nhau đi bệnh viện khám vô sinh - hiếm muộn, vì theo tiêu chuẩn cứ sau 1 năm vợ chồng sinh hoạt không kiêng cữ, hay kế hoạch hóa đều được xem hiếm muộn. May mắn là sau đó, anh chị được giới thiệu đến một bác sĩ Đông y nổi tiếng bốc thuốc và họ có con sau một liệu trình điều trị, một bé gái kháu khỉnh.

 

Chị đang ôm con thì thấy anh bước vào nhà. Anh không xăm xăm vào phòng làm việc mà thả túi xách chạy đến nựng con, đôi mắt anh long lanh hạnh phúc. Chị thầm nghĩ: “Lạy trời anh đừng tái phát “bệnh” siêng làm nữa”.