Trong đó quy định, Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Các mức độ lấy phiếu vẫn là 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Về hệ quả của việc lấy phiếu, Nghị quyết được thông qua quy định: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐB Quốc hội, ĐB HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐB Quốc hội, ĐB HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì UBTV Quốc hội trình Quốc hội, TT HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Nghị quyết cũng quy định các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm. Trong đó, UBTV Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: UBTV Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số ĐB Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐB Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp”.
Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số ĐB HĐND; có kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐB HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp”.
Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm có hai mức độ: "tín nhiệm", "không tín nhiệm". Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐB Quốc hội, ĐB HĐND đánh giá “không tín nhiệm” có thể xin từ chức. Nếu không từ chức, thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức đối với người đó.