Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người cuối cùng lấy dầu rái ở núi Lớn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vùng núi Lớn từng là thủ phủ dầu rái của Quảng Ngãi, cũng là nguồn sống của bao thế hệ người dân vùng chân núi. Trải qua thời gian, nghề dần suy vong nhưng ý thức giữ rừng của cộng đồng vẫn luôn bền vững.

Độc đáo nghề lấy nhựa cây

Rừng cộng đồng ở xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) có diện tích hơn 1.000ha thuộc núi Lớn, nằm giáp ranh với các huyện Mộ Đức, Ba Tơ và thị xã Đức Phổ. Đây là cánh rừng còn bảo tồn nhiều cây dầu có tuổi đời hàng trăm năm.

Thân cây dầu hàng trăm năm tuổi.
Thân cây dầu hàng trăm năm tuổi.

Anh Cao Thanh Hà (49 tuổi, trưởng thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông) là người cuối cùng ở vùng này còn bám nghề lấy nhựa cây dầu. Rừng dầu của anh Hà có những cây to phải vài người ôm.

Ngược về thời gian, anh Hà cho biết, từ năm 10 tuổi, anh đã theo cha vào rừng ở núi Lớn bẫy thú và khai thác dầu. Ngày đó, để vào rừng phải băng qua nhiều suối sâu, dốc đứng và đối mặt với nhiều thú rừng, rắn rết.

Vậy nên, người dân thường đi theo nhóm và lập lán trại ở lại trong rừng. Định kỳ theo giao ước với thương lái, dầu được cõng ra bìa rừng để bán, hoặc trao đổi các loại sản vật.

Theo anh Hà, cây dầu có đặc tính rất lạ, đó là phải bị chém vào gốc, tạo ra vết khuyết sâu đến tận ruột cây để dòng nhựa lỏng chảy ra. Cơ chế này giúp cây chống chọi với sâu bệnh và phát triển.

Người dân thu nhựa dầu rái từ "vết thương" ở gốc.
Người dân thu nhựa dầu rái từ "vết thương" ở gốc.

Để tạo những “vết thương” đạt chuẩn, vết chém phải phẳng như tấm thẻ. Ở vị trí này, khi được đốt cháy sẽ dần rỉ ra chất lỏng màu trắng đục gọi là dầu rái và được thu gom sau 3-5 ngày.

Mỗi năm, người làng núi Lớn thu nhựa cây dầu trong 8 tháng. Những tháng còn lại là mùa mưa và mùa cây dầu ra lộc, việc lấy nhựa phải tạm dừng.

Dầu rái được dùng chống thấm cho thuyền thúng.
Dầu rái được dùng chống thấm cho thuyền thúng.

Trước đây, dầu rái được dùng để thắp sáng, hoặc như một loại thuốc trị nứt nẻ tay chân. Riêng với ngư dân các làng chài ven biển, dầu rái là chất không thể thiếu trong quá trình làm ghe, tàu, thuyền, thúng vì đặc tính chống thấm nước. Chính vì vậy, dầu rái rất được ưa chuộng, từng được xem là báu vật, nuôi sống bao thế hệ người dân vùng núi Lớn.

Quả của cây dầu như chiếc dù, theo gió mang đi rải khắp núi rừng. Nhờ đó mà rừng dầu phát triển nhanh, phủ xanh nhiều quả đồi. Rừng dầu càng lớn, dân làng càng mừng bởi giá trị kinh tế từ nhựa cây này mang lại.

Anh Cao Thanh Hà là người cuối cùng làm nghề khai thác dầu rái.
Anh Cao Thanh Hà là người cuối cùng làm nghề khai thác dầu rái.

Thế nhưng, rừng dầu rộng lớn từng là nguồn sống của nhiều người bây giờ hầu như bị bỏ hoang. Xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại vật liệu được sử dụng thay thế dầu rái. Nhựa dầu lấy về không ai mua nên nhiều người bỏ nghề. Riêng anh Hà, tiếc rừng dầu nên vẫn cố bám trụ.

“Khi nào có người đặt hàng mới vào rừng lấy nhựa, cũng kiếm được 200 - 300 nghìn đồng một ngày"- anh Hà nói.

Giữ nguồn sống của làng

Ông Đoàn Ngọc Ý (70 tuổi, thôn Trường Lệ) là một trong những thợ rừng nổi tiếng vùng núi Lớn. Lúc 15 tuổi, ông Ý đã theo cha lên rừng thu dầu rái. Trong những chuyến đi, ông Ý luôn được cha dặn dò phải cố giữ rừng dầu bởi nó là nguồn sống của cả làng. Cha mất, ông Ý tiếp quản rừng dầu hàng nghìn cây.

Ông Đoàn Ngọc Ý là một trong những thợ rừng nổi tiếng vùng núi Lớn.
Ông Đoàn Ngọc Ý là một trong những thợ rừng nổi tiếng vùng núi Lớn.

Một năm ông Ý đi rừng lấy dầu chừng 20 chuyến. Mỗi chuyến ông thu được 10 thùng dầu rái. Một thùng lại có giá trị tương đương tiền công một người làm thuê trong 20 ngày. 

Dân làng gọi khoảnh rừng dầu của từng người là cội dầu. Thời ông Ý còn trai trẻ, nhà nào sở hữu cội dầu đều có cuộc sống khá giả. Nhờ những cội dầu trên núi Lớn, ông Ý nuôi được 5 người con trưởng thành.

"Ngôi nhà này được xây từ 31 năm trước, lúc đó xây nhà hết 1,5 cây vàng. Nghe tôi làm nhà thiếu tiền nên thương lái mang một cây vàng đến cho mượn. Một cây vàng lúc đó giá trị lắm nhưng họ bảo cứ cầm lấy, không cần giấy tờ, chỉ cần ưu tiên bán nhựa dầu cho họ là được"- ông Ý nhớ lại.

Thế nhưng, đến đời con ông, nhựa dầu dần mất giá, thương lái cũng ít thu mua nên nhiều người chuyển nghề khác mưu sinh. Việc bám rừng không còn thuận lợi như trước kia, anh Đoàn Ngọc Thạch - người con được ông Ý chọn để giao lại rừng dầu -  cũng đã bỏ nghề do cha truyền dạy.

Dù nghề khai thác dầu tàn lụi, nhưng ý thức giữ rừng của người dân vùng này còn sống mãi. Rừng dầu rái cho mang đến không khí trong lành cho những ngôi làng dưới chân núi và giúp những khe suối dưới tán rừng dầu rái chưa bao giờ cạn.

Nước ngầm ở vùng núi Lớn nhiễm phèn. Người làng lại dẫn nước từ khe suối trên núi Lớn về sử dụng. Chính vì thế, hàng trăm năm qua, người dân vùng núi Lớn vẫn thay nhau bảo vệ rừng dầu.

Những cánh rừng xanh tốt là niềm tự hào của người dân xã Hành Tín Đông.
Những cánh rừng xanh tốt là niềm tự hào của người dân xã Hành Tín Đông.

“Những cánh rừng xanh tốt là niềm tự hào của người dân xã Hành Tín Đông. Người dân quanh năm ăn ngủ trong rừng dầu. Với họ, cây dầu là nguồn sống nên chẳng lâm tặc nào dám đụng đến. Bây giờ, nghề lấy dầu rái dần mai một nhưng rừng dầu vẫn luôn được gìn giữ. Tổ bảo vệ rừng được thành lập, các chuyến tuần tra vẫn tiếp nối”- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Đoàn Ngọc Sinh cho hay.