Người cựu binh nhanh nhạy với thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi “ông Tân tre trúc”, từ già đến trẻ đều biết. “Cửa hàng nào nhiều tre trúc nhất là nhà bác Tân” - đó là cách mà người Đại Mỗ chỉ dẫn khi chúng tôi hỏi đường đến nhà “Dũng sĩ diệt cơ giới” nổi tiếng với các sản phẩm từ tre trúc Nguyễn Đắc Tân.

Ở ông có sự đĩnh đạc, tính kỷ luật của người lính từng vào sinh ra tử, cũng có sự nhạy bén, giỏi ứng biến với thị trường của người làm ăn kinh doanh.

Dũng sĩ diệt cơ giới

Năm 1972, chàng trai 18 tuổi đất làng Đại Mỗ hăng hái vào chiến trường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba năm sau, giữa chiến trường đầy khói lửa, anh lính Nguyễn Đắc Tân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong trận chiến đấu nhằm ngăn chặn chi viện của địch, người Đảng viên trẻ đã bắn rơi máy bay trực thăng địch tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”.
Ông Nguyễn Đắc Tân giới thiệu sản phẩm được làm từ tre trúc.
Ông Nguyễn Đắc Tân giới thiệu sản phẩm được làm từ tre trúc.
Sau thời gian chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Nam, cùng đoàn quân tình nguyện sang Campuchia giúp nước bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn-pốt, đến năm 1981, anh thương binh 3/4 phục viên, công tác tại địa phương. “Năm 1988, tôi về hưu, tổ dân phố Ngọc Đại lúc bấy giờ là xóm giãn dân, đất đai còn hoang hóa, hạ tầng hầu như chưa có gì” - ông Tân nhớ lại. Những ngày đầu, ông đã cùng dân ở đây đắp ao, làm đường, kiến nghị xây dựng nhà văn hóa (NVH) để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Được sự tín nhiệm của bà con, ông được bầu làm xóm trưởng. Khi được huyện Từ Liêm chấp thuận cho lấp ao xây NVH, người xóm trưởng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” lại lấy hơn 20 triệu đồng của gia đình cho xóm vay lấp ao, mua vật liệu làm NVH.

Hơn 16 năm qua,  ông cùng người dân Ngọc Đại phát triển nghề mộc, nghề tre nứa truyền thống, đưa Ngọc Đại trở thành địa chỉ nổi tiếng về sản phẩm từ tre trúc và nghề mộc tại Hà Nội.

Tìm thị trường, vượt khó khăn

Năm 1988, ông về hưu với gia tài 4 sào ruộng ít ỏi và 4 “tàu há mồm” - cách ông gọi các con ông. Cuộc sống khó khăn khiến ông phải xoay xở tìm nghề phụ. “Hồi đó, cả khu vực huyện Từ Liêm cũ, Ứng Hòa, Đông Anh, Sơn Tây… toàn lò gạch. Sau khi tìm được mối cung cấp phên nứa cho các lò gạch, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển nghề làm phên nứa” - ông nói. Với 3 triệu đồng vốn vay từ Quỹ Tiết kiệm và ngân hàng, cộng với kinh nghiệm, cả gia đình bắt tay vào làm phên nứa. Nhờ có uy tín, sản phẩm của gia đình ông được nhiều lò gạch lựa chọn. Có thời điểm, ông phải thuê hơn 10 lao động mới đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Không lâu sau, lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường nên bị xóa bỏ, ông lại lặn lội vào Nam, ra Bắc tìm kế làm ăn. Và ông tìm được mối nhập tre nứa cho các cơ sở sản xuất đàn Trưng, chuông gió cho một số cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Với công việc mới này, ông Tân cũng đã giải quyết cho 5 lao động có công ăn việc làm với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Nhưng thị trường lại một lần nữa thử thách tài xoay xở của ông. Năm 2001, kinh tế thế giới khó khăn, các cơ sở xuất khẩu giảm đơn hàng, sản xuất đình trệ. Vẫn giữ niềm đam mê, ông lại tiếp tục đi tìm đầu ra cho cây tre, cây nứa. Thực tế tìm hiểu thị trường, ông nhận thấy các nhà hàng, quán café có nhu cầu rất lớn sử dụng trúc ốp tường. Và ông quyết định mở đại lý cung cấp vật liệu và trực tiếp trang trí cho các nhà hàng, nhà vườn sinh thái. “Công việc đang rất tốt, tạo công ăn việc làm cho gia đình và 5 lao động khác tại địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Trừ hết chi phí, hiện mỗi năm tôi lãi hơn 200 triệu đồng” - ông Tân hồ hởi.

62 tuổi, ngoài cơ ngơi hơn 200m2 với thương hiệu tre trúc Đắc Tân nổi tiếng một vùng, ông còn có cả một gia tài lớn là 4 người con ngoan ngoãn và sự tín nhiệm của anh em, đồng đội, bà con ngõ phố. Ông là tấm gương chiến đấu, lao động hết mình vì gia đình, làng xóm, quê hương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần