Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu:

Người dân bị thu hồi đất mong muốn cuộc sống mới bằng hoặc hơn chỗ cũ

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/10/2023, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội nghị lắng nghe ý kiến của Nhân dân về chính sách bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Khoảng 30 câu hỏi của đại diện các hộ dân được nêu ra tại hội nghị này.

Bí thư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân về chính sách bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi thực hiện dự án cáo tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ngày 26/10/2023.
Bí thư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân về chính sách bồi thường, giải tỏa, tái định cư khi thực hiện dự án cáo tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ngày 26/10/2023.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì Hội nghị, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ngành và hơn 250 người dân đại diện cho các hộ gia đình, nhân khẩu có đất bị thu hồi.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân

Tại Hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân, hầu hết các hộ dân rất đồng thuận, thống nhất ủng hộ chủ trương thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuy nhiên họ cũng thật sự còn nhiều băn khoăn về giá cả đền bù khi giải tỏa, di dời.
Tại Hội nghị lắng nghe ý kiến của người dân, hầu hết các hộ dân rất đồng thuận, thống nhất ủng hộ chủ trương thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tuy nhiên họ cũng thật sự còn nhiều băn khoăn về giá cả đền bù khi giải tỏa, di dời.

Theo Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng - ninh và trung tâm kết nối giao thông các tỉnh trong khu vực. Do đó, việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh; không chỉ mang giá trị kết nối hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ mà còn thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế cho cả khu vực.

Năm 2023, hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia về giao thông được khẩn trương thực hiện tại Đồng Nai hoặc đi qua tỉnh, như dự án: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh, Dầu Giây - Liên Khương và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tất cả những dự án giao thông quan trọng đó đòi hỏi sự đồng thuận của nhân dân trong việc giao đất để thực hiện.

“Hôm nay, lãnh đạo tỉnh muốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết những vấn đề cơ bản nhu cầu chính đáng cho người dân. Đồng thời, để đánh giá việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân, để người dân cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng với chính quyền trong việc bàn giao đất, di dời nơi ở thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước”, Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Nhiều ý kiến của các hộ dân tập trung vào giá cả đền bù đất, cấp tái định cư, chỗ ở khu tái định cư và mong muốn có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ khi phải di dời thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Nhiều ý kiến của các hộ dân tập trung vào giá cả đền bù đất, cấp tái định cư, chỗ ở khu tái định cư và mong muốn có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ khi phải di dời thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, được xem là công trình trọng điểm quốc gia. Cao tốc này có vai trò hết sức quan trọng phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Dự án có tổng chiều dài 53,7km, đi qua địa bàn của 11 phường, xã, thị trấn của TP Biên Hòa và huyện Long Thành. Diện tích thu hồi đất của dự án là 289,18 ha. Trong đó, TP Biên Hòa là 59,5 ha, huyện Long Thành là 229,68 ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng là 3.436 hộ, trong đó: Biên Hòa có 987 hộ (904 hộ bố trí tái định cư); huyện Long Thành 2.449 hộ (1.505 hộ bố trí tái định cư).

Để phục vụ cho việc bố trí tái định cư của các hộ dân bị giải tỏa trắng để thực hiện dự, TP Biên Hòa triển khai xây dựng 2 Khu tái định cư: tại phường Phước Tân và phường Tam Phước, đang trong giai thẩm định quy hoạch xây dựng 1/500. Huyện Long Thành triển khai xây dựng 2 Khu tái định cư tại xã Long Đức và xã Long Phước, hiện đang nhận bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng.

Tuy nhiên 4 dự án nêu trên có khả năng không đáp ứng tiến độ di dời và bố trí tái định cư nên, UBND tỉnh Đồng Nai đã xin Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận bố trí khoảng 1.834 lô tái định cư Khu Lộc An - Bình Sơn cho các hộ dân đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Các ý kiến, thắc mắc được trả lời thỏa đáng

Tại Hội nghị, khoảng 30 ý kiến đại diện cho hơn 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được nêu lên.

Bà Nguyễn Thị Dần (ngụ tổ 9 khu phố Vườn Dừa, phường Phước Tân, TP Biên Hòa) cho biết: “Người dân chúng tôi rời xa quê hương vào đây làm công nhân, rất cực khổ mới mua được mảnh đất để mong "an cư lạc nghiệp", hiện Nhà nước lấy đất làm dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Vậy chúng tôi, mong tỉnh quan tâm việc di dời, bồi thường thỏa đáng theo giá trị đất hiện tại trên thị trường. Chúng tôi muốn khu tái định cư ở ngay tại phường Phước Tân cho tiện với công ăn việc làm”.

Ông Nguyễn Văn Quyết (tổ 9 khu phố Vườn Dừa, phường Phước Tân, TP Biên Hòa) cho biết, về vấn đề làm cao tốc, nhân dân chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng cũng mong được Nhà nước hỗ trợ an sinh xã hội, chỗ ở cũ tốt hơn hoặc bằng chỗ ở mới.

Theo ông Nguyễn Cao Nam (phường Phước Tân, TP Biên Hòa), hộ ông thuộc diện thu hồi đất giải tỏa trắng, nên muốn biết được bố trí vào ở đâu, đền bù ra sao, tạo công ăn việc làm như thế nào? Một số hộ buôn bán nhỏ, nhường đất thì có hỗ trợ thêm cho những hộ này hay không?

Người dân tranh thủ lúc giải lao Hội nghị tìm hiểu chi tiết các quy định của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Người dân tranh thủ lúc giải lao Hội nghị tìm hiểu chi tiết các quy định của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Nhìn chung, phần lớn các ý kiến của người dân (gồm 16 câu hỏi) liên quan đến nhóm các câu hỏi của người dân đề cập đến giá đất bồi thường, chính sách tái định cư, xây nhà trên đất nông nghiệp, gia đình sống chung nhiều thế hệ, sổ chung trên cùng diện tích đất, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc sang nhượng mua bán đất và nhà bằng giấy tay, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…, đều được ông Nguyễn Ngọc Thường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai trả lời theo các quy định pháp luật hiện hành. 

Riêng về việc hỗ trợ nhà trọ, ông Nguyễn Ngọc Thường cho biết, được thực hiện theo quy định tại Điều 19 đến Điều 25 của Nghị định 47 năm 2014 của Chính phủ, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, tiền hỗ trợ nhà trọ cũng quy định cụ thể tại Điều 28, Quyết định số 10 năm 2018 của UBND tỉnh Đồng Nai. Cụ thể quy định mức hỗ trợ tiền nhà trọ trong thời gian là 5 tháng.

Đối với các hộ có dưới 6 nhân khẩu thì hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ/tháng (đối với các hộ ở TP Biên Hòa); hỗ trợ 3,5 triệu đồng/hộ/tháng (đối với các hộ ở TP Long Khánh). Còn các huyện còn lại hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ/tháng. Đối với các hộ trên 6 nhân khẩu thì được hỗ trợ thì mỗi nhân khẩu được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng (đối với TP Biên Hòa), hỗ trợ 450.000 đồng/người/tháng (đối với TP Long Khánh), hỗ trợ 400.000 đồng/người/tháng (đối với các huyện còn lại).

Ngoài ra, các nhóm vấn đề câu hỏi còn lại của các đại diện người dân liên quan đến vấn đề phát triển văn hóa xã hội nơi ở mới, học hành, giải quyết việc làm... cũng được các đơn vị sở, ngành liên quan lần lượt trả lời thỏa đáng.