Đây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), ngày 11/9.
Nhiều mô hình hay, cách làm tốt cũng như những tồn tại, hạn chế đã được đề cập tại Hội nghị này.
Từ những mô hình “3 giảm”, “4 tại chỗ”, “8 công khai”…Báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực này, cho biết: Tỉnh đã nỗ lực và đạt được những kết quả khả quan khi thực hiện “3 giảm” (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí), “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại chỗ), “8 công khai” (công khai tên thủ tục, thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện, thời gian thực hiện, điều kiện thực hiện, cơ sở pháp lý, phí và lệ phí, thông tin liên lạc).
Những nội dung trên được thực hiện sẽ bảo đảm các thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát, các hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu…
Quảng Ninh xác định việc thành lập, hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng đến chất lượng giải quyết TTHC và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây là thước đo, là tiêu chí để đánh giá cán bộ. Chỉ đạo xây dựng giải quyết đối với từng TTHC bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả”. Cán bộ tham gia giải quyết, xử lý công việc trên môi trường mạng để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp.
Đề cập đến công tác này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, do địa bàn dân cư quá lớn nên TPHCM không thành lập Trung tâm Dịch vụ hành chính công như Quảng Ninh. Tuy nhiên, TPHCM có nhiều giải pháp tích cực trong công tác này, nhất là trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và Bộ phận một cửa.
Theo ông Tuyến, các hồ sơ TTHC được giải quyết đạt 98-99%, tuy nhiên chỉ 1- 2% hồ sơ trễ hẹn cũng là một khối lượng tồn đọng rất lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Tính bình quân, tổng số hồ sơ giải quyết TTHC được tiếp nhận tại các cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn TPHCM là 14 triệu hồ sơ/năm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng giới thiệu 2 giải pháp cải cách trong giải quyết TTHC tại sở ngành, quận huyện đã được TPHCM nghiên cứu và hiện đang triển khai có hiệu quả.
Theo đó, TPHCM đang triển khai thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp Giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Quy trình này cho phép Sở Xây dựng thực hiện đồng thời cả 3 thủ tục như thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp Giấy phép xây dựng.
Đồng thời, thực hiện liên thông điện tử với các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan để trao đổi thông tin nhằm bảo đảm sự phù hợp của công trình xây dựng với lĩnh vực chuyên ngành có liên quan. Quy trình này đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của các TTHC trên xuống còn 42 ngày làm việc (so với 122 ngày theo quy định).
Đến nay, tỷ lệ hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng theo quy trình liên thông đã chiếm 31,2% tổng số hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng TPHCM tiếp nhận và giải quyết. Qua khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với quy trình này cho thấy người dân và doanh nghiệp đánh giá cao về kết quả tích cực.
Còn giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trong lĩnh vực quản lý đô thị trên địa bàn quận Bình Thạnh cho thấy, việc ứng dụng này được số hoá liên thông toàn diện theo chiều dọc đến chiều ngang, từ quận đến phường, tạo tiện ích cho công dân, công chức.
Theo đó, người dân trong quận Bình Thạnh chỉ cần tải ứng dụng này về điện thoại di động. Ứng dụng này có tính năng hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như nộp hồ sơ trực tuyến (cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp giấy phép đào đường, vỉa hè…). Với ứng dụng này, người dân nộp hồ sơ trực tuyến dễ dàng bằng điện thoại thông minh, tra cứu tình trạng hồ sơ qua mạng hoặc nhắn tin điện thoại để biết tiến độ giải quyết của từng hồ sơ.Hoặc về tra cứu thông tin quy hoạch, chỉ cần cung cấp thông tin phường, số tờ, số thửa, thì người dân sẽ có được ngay kết quả nhà đất nằm trong quy hoạch gì, lộ giới thế nào, thay vì phải nộp đơn đề nghị cấp chứng chỉ quy hoạch theo quy trình giải quyết đến 10 ngày như trước kia.
Đồng thời, ứng dụng này còn hỗ trợ người dân phản ánh tình trạng vi phạm về vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép (khi người dân phát hiện vi phạm, chỉ cần chụp ảnh, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi vi phạm và gửi tin). Trong vòng 2 giờ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xử lý và phản hồi trực tiếp kết quả trên hệ thống để người dân biết, giám sát.
Cải cách TTHC lấy người dân làm trung tâm phục vụ
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của Chính phủ được ban hành với nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thể hiện sự thay đổi cơ bản về quan điểm quản lý là phục vụ nhân dân.
Nghị định đã có những quy định bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kiểm soát TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử; thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối giữa các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức; tăng cường tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tính liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin trong giải quyết TTHC; tạo hành lang pháp lý cho việc đánh giá chất lượng giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền và cho tổ chức, hoạt động của các Trung tâm phục vụ hành chính công.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để đưa những quy định này vào cuộc sống, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện ngay một số công việc.
Cụ thể, khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 985/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khẩn trương kiện toàn tổ chức, nhiệm vụ Bộ phận Một cửa và chỉ đạo bố trí trụ sở, trang thiết bị của Bộ phận Một cửa các cấp bảo đảm sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
Cán bộ, công chức được làm việc tại Bộ phận một cửa phải bảo đảm trình độ chuyên môn, thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ cho người dân doanh nghiệp, tiến tới thực hiện “4 tại chỗ” đối với những TTHC phổ biến và có số lượng hồ sơ phát sinh lớn. Cần có sự tham gia của các đầu mối kiểm soát TTHC trong việc tổ chức, vận hành Bộ phận một cửa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của việc thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC và theo dõi tình hình, kết quả giải quyết TTHC.
Các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Đồng thời, cần đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC, tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC.
Cần nghiêm túc xử lý các phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC
“Cần nghiêm túc xử lý các phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC. Thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC. Có các giải pháp khen thưởng, động viên kịp thời đối với công chức, viên chức được đánh giá cao trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Đẩy mạnh việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, đặc biệt thông qua chức năng của Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp bộ, tỉnh.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, việc thực hiện cải cách TTHC là thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, công dân. Trước đây, khi chưa có ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC thì việc giải quyết TTHC cho người dân nảy sinh quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Nếu cán bộ, công chức không có ý thức phục vụ nhân dân sẽ sinh quan liêu, cửa quyền khi xã hội càng phát triển thì thủ tục ngày càng tăng.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm khả năng kết nối hệ thống Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, cần sớm chuẩn hóa quy trình nội bộ trên tinh thần cải cách mạnh mẽ và tại điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. Quy trình này cần có sự thống nhất trong phạm vi của tỉnh để bảo đảm việc theo dõi thực hiện trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan trong quá trình giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương; công bố phần mềm tiêu chuẩn để các địa phương được lựa chọn thí điểm tại Quyết định số 985/QĐ-TTg chỉnh sửa và vận hành thử nghiệm. Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật và công bố phiên bản chuẩn để các bộ, địa phương có căn cứ điều chỉnh.
Các bộ, ngành chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong rà soát, đề xuất các TTHC thực hiện liên thông và xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình thực hiện liên thông TTHC, danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận và giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện. Thực hiện rà soát, công bố TTHC thuộc thẩm quyền có thể giao cho cấp tỉnh, huyện, xã tiếp nhận hồ sơ.
Để thúc đẩy việc giải quyết TTHC trực tuyến, giao Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia trong Quý IV năm 2018 và khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 01 tháng 11 năm 2019.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thanh toán tập trung của quốc gia kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán trực tuyến.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc xây dựng các dịch vụ công mức độ 3, 4 theo danh mục dịch vụ công đã được phê duyệt tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ngoài danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phải bảo đảm các tiêu chí thực hiện trực tuyến và có số lượng hồ sơ giao dịch lớn. Việc xây dựng dịch vụ công phải lấy người sử dụng làm trung tâm, bảo đảm tính thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng.
“Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân để thực hiện có hiệu quả các giao dịch trực tuyến như TPHCM cần có giải pháp để nhân dân các quận trung tâm Thành phố sử dụng các giao dịch trực tuyến ngày càng nhiều hơn. Nhân dân có quyền đòi hỏi việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, Nhà nước cũng nắm bắt được các bất cập, vướng mắc, cản trở quá trình cải cách TTHC để có giải pháp cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Theo đó, việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC là giải pháp nhanh và hiệu quả để thực hiện mong muốn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện đúng quan điểm về Chính phủ phục vụ.