Hiện tượng xuất hiện vào khoảng 11 giờ 35 đến 36 phút trưa nay 28/72024. Theo miêu tả của nhiều người cảm thấy rung lắc bàn ghế, người đứng có cảm giác như chao đảo chóng mặt. Hiện tượng này chỉ xuất hiện khoảng vài giây. Nhiều người đã tháo chạy theo thang bộ để xuống đất thay vì đi thang máy.
Thời điểm những người làm việc tại các tòa nhà cao tầng tại Đắk Lắk cảm nhận rung lắc trùng với thời điểm xảy ra động đất tại huyện Kon Plong, Tỉnh Kon Tum.
Tham khảo thông tin từ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết: Tỉnh Đắk Lắk không ghi nhận đáng kể nào về ảnh hưởng từ di chấn của cơn động đất xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Tại tỉnh Gia Lai hiện tượng rung lắc do di chấn động đất tại Kon Plong, tỉnh Kon Tum rõ ràng hơn, rung lắk mạnh hơn. Ghi nhận có một cơn địa chấn nhẹ kéo dài trong khoảng vài giây xảy ra ở một số khu vực thuộc TP. Pleiku, thị xã An Khê và các huyện, thị xã như Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Sê, Kông Chro…
Theo thông tin Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên nhận được để theo dõi các mức độ thiên tai: vào lúc 4 giờ 17 phút 46 giây (giờ thế giới) ngày 28-7-2024, tức 11 giờ 35 phút ngày 28-7-2024 (giờ địa phương) tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) xảy ra trận động đất tại vị trí có tọa độ: 14.851N-108.327E, độ sâu khoảng 8.3 km, độ lớn M = 4.1 richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Những cơn địa chấn nhẹ tại một số khu vực của tỉnh Gia Lai, khu vực Miền Trung, Tây Nguyên là do bị ảnh hưởng bởi động đất tại huyện Kon Plông. Hiện tại chưa ghi nhận thông tin về thiệt hại do động đất gây ra.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đức GFZ: Vào lúc 11 giờ 35 phút 14 giây ngày 28-7, một trận động đất có cường 5.3 độ richter đã xảy ra, tâm chấn động tại tọa độ 14.807 N | 108.261 E, cách Kon Tum 58 km về phía đông bắc. Dựa trên dữ liệu địa chấn ban đầu, trận động đất đã được cảm nhận bởi nhiều người trong khu vực gần tâm chấn. Nó không gây ra thiệt hại đáng kể nào.
Tại TP. Kon Tum (cách tâm chấn 58 km) trận động đất được cảm nhận như là rung động nhẹ. Rung động yếu có thể đã được cảm nhận ở Tam Kỳ (cách tâm chấn 87 km), Pleiku (cách tâm chấn 97 km) và Hội An (cách tâm chấn 117 km). Tại thị xã Buôn Hồ, Thành phố Buôn Ma Thuột những người làm việc tại các tòa nhà cao tầng cũng cảm nhận rung lắc cách vị trí xảy ra động đất khoảng 150km đến 170km theo đường chim bay.
Trước đó, trong ngày 28-7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) ra thông báo động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào hồi 3 giờ 12 phút, độ lớn 3.4 tại vị trí có tọa độ 14.879 độ vĩ Bắc và 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Trận động đất thứ hai xảy ra hồi 8 giờ 35 phút, độ lớn 3.3 tại vị trí có tọa độ 14.839 độ vĩ Bắc và 108.365 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Hai trận động đất này được Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, không gây thiệt hại về người và tài sản song người dân sống ở khu vực tâm chấn có thể cảm nhận rõ rung lắc nhẹ. Trung tâm tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum 54 trận động đất, độ lớn từ 2,5 đến 4 độ richter. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.
Từ đó người dân trong vùng cần cẩn trọng đề phòng và không quá lo lắng về những hiện tượng chuyển động của vỏ trái đất gây ra tại khu vực này.