Việc cân nhắc giải pháp kìm hãm đà tăng của giá xăng nhằm ngăn chặn kịp thời những biến động tiêu cực của thị trường đến đời sống của người dân trở nên vô cùng bức thiết.
Giá dịch vụ, hàng hóa “nhảy múa”
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã có 8 lần tăng giá, đã gián tiếp khiến nhiều loại thực phẩm, hàng hóa đồng loạt tăng theo. Khảo sát của báo Kinh tế & Đô thị ngày 16/5 tại một số chợ dân sinh cho thấy, giá các loại rau, củ đã tăng mạnh so với 1 tháng trước đó. Chẳng hạn, các loại rau cải ăn lá tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg; bí xanh tăng từ 17.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; cà rốt tăng từ 15.000 lên 18.000 đồng/kg…
Tại các siêu thị, giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng ghi nhận ở mức tăng 5 - 10% trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cụ thể, mỳ tôm Omachi tăng từ 190.000 đồng/thùng lên 205.000 đồng/thùng; dầu ăn Simply tăng từ 48.000 lên 52.000 đồng/lít; các loại nước giặt, nước rửa bát cũng tăng khoảng 10 - 15% so với đầu năm.
Xăng, dầu tăng giá đã tác động trực tiếp đến giá các loại nguyên vật liệu xây dựng khi các mặt hàng này đồng loạt điều chỉnh tăng giá. Kể từ ngày 10/5, một số DN đã chủ động điều chỉnh giá bán xi măng bao và xi măng rời lần thứ 2 trong năm 2022 (lần gần nhất vào ngày 20/3) với mức tăng dao động từ 50.000 - 95.000 đồng/tấn.
Tương tự, thị trường thép trong nước vẫn đang duy trì ở mức cao trong vòng hơn một tháng qua, với thép xây dựng CB240 tại các khu vực Bắc, Trung, Nam dao động ở mức 18.180 - 19.850 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 18.280 - 19.630 đồng/kg.
Ở lĩnh vực vận tải, từ sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các hãng taxi, xe hợp đồng đều tăng cước thêm 10 - 15%, tương đương tăng 1.000 - 2.000 đồng/km và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các hãng xe công nghệ cũng ghi nhận tăng giá từ 20 - 30% tính từ thời điểm giá xăng tăng hồi giữa tháng 4/2022.
Xáo trộn đời sống sản xuất, sinh hoạt
Chia sẻ nỗi lo âu về giá cả nhiều loại vật liệu xây dựng tăng chóng mặt theo giá xăng khiến chi phí xây dựng nhà ở không ngừng đội lên, ông Phạm Văn Thắng (huyện Mê Linh) cho hay: “Gia đình tôi mới khởi công xây dựng căn nhà 3 tầng (100m2/sàn) từ hơn 1 tháng nay. Với đà tăng giá nguyên vật liệu như hiện tại, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa khi nhẩm tính tổng mức kinh phí xây nhà ở sẽ tăng lên một khoản lớn từ 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng. Chưa kể, phía đơn vị thi công cũng đề xuất nâng mức giá xây dựng từ 1,2 triệu đồng/m2 lên 1,4 triệu đồng/m2”.
Chị Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương kinh doanh mặt hàng đồ khô ở chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) tâm sự: “Nguyên nhân khiến giá các mặt hàng đều tăng một phần do giá xăng tăng, tác động tới sản xuất và giá cước vận chuyển. Việc giá cả các mặt hàng tăng không chỉ đánh trực tiếp vào túi tiền người tiêu dùng mà còn tác động mạnh tới việc kinh doanh của chúng tôi. Lượng người mua hàng giảm đi nhiều so với bình thường nên buôn bán ế ẩm”.
Giá xăng dầu tăng còn ảnh hưởng tới sản xuất của nông dân, thêm gánh nặng chi phí với nhà nông. Hộ anh Phạm Quang Mạnh (xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai) đang canh tác hơn 3 sào đất màu trồng rau cho hay, mặc dù có kinh nghiệm làm nông nghiệp hơn 20 chục năm nhưng cơn bão giá xăng dầu cũng làm anh lao đao. Bởi chi phí từ hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến chi phí làm đất đều tăng.
Cụ thể, trước đây chi phí làm đất mỗi vụ chỉ 120.000 đồng/sào giờ tăng lên 160.000 đồng/sào. Đó là chưa kể giá phân bón tăng gấp đôi, trong khi đầu ra của nông sản bấp bênh. “Để tiết giảm chi phí, lứa rau vừa giống đợt đầu tháng 5, gia đình tôi không thuê máy làm đất mà tự cuốc bằng tay. Thời điểm này, diện tích dưa chuột và cà chua đang chuẩn bị thu hoạch. Hy vọng rau củ được giá để bù lại phần nào chi phí”.
Các DN kinh doanh nông sản, thực phẩm cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi giá xăng tăng. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, sau Tết Nguyên đán, công ty đã nhận được thông báo tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nhà cung ứng với mức đề xuất tăng là 5 - 10% từ quý II/2022.
Mặc dù công ty đã cố gắng thương thảo và giữ giá, song đến nay trước tình hình giá xăng tiếp tục lên cao thì DN không thể không điều chỉnh giá bán lẻ. Thực tế này đang đẩy DN vào thế khó do những đơn hàng cung ứng ra thị trường đã được chốt giá từ tháng 1/2022” - ông Nguyễn Tiến Hưng phân trần.
Cân nhắc giảm thêm thuế
Trước những khó khăn của người dân, DN, mức giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022 đã được Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Mặc dù đây là giải pháp then chốt giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu, cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, DN, mức giảm này vẫn ít ỏi bởi trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới và trong nước vẫn liên tục tăng cao.
Đáng lo ngại, tình trạng giá xăng dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.
Về vấn đề này, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhận định, nếu giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng phi mã sẽ kéo theo hàng loạt các loại giá cả hàng hóa, dịch vụ khác tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người lao động và DN, tạo thêm khó khăn cho họ trong bối cảnh vốn dĩ đã phải chịu hệ quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu tiếp tục giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ kịp thời người dân và DN. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp cần thiết nhằm kìm chế lạm phát ở mức 4% như mục tiêu Chính phủ đã đề ra hồi đầu năm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, sức mua còn yếu, việc tăng giá này sẽ khiến quá trình hồi phục kinh tế chậm lại. Vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng kìm hãm đà tăng của giá xăng để ngăn chặn những biến động tiêu cực của thị trường.
Đáng lưu ý, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu nối lại. Nhưng giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí DN, đánh thẳng vào túi tiền người dân, làm giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế.
"Giá xăng tăng tác động rất mạnh đến đời sống người dân, đặc biệt là người lao động tại những đô thị lớn. Tôi cho rằng, trong lúc này, Nhà nước cần có hỗ trợ người lao động bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở xuống." - PGS. TS Trần Hoàng Ngân
"Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong năm 2022." - PGS. TS Ngô Trí Long