Người dân Đông Anh tiếc thương nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Người dân Đông Anh gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với một danh từ thân thương... “Bác”. Bác là tấm gương sáng, tiêu biểu về đạo đức, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, tính cần kiệm, liêm chính...

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại muôn vàn tiếc thương với người dân Đông Anh và đồng bào cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có nhân cách lớn, Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước vì dân.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cho đến khi qua đời, Tổng Bí thư luôn tâm huyết với phương châm: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức và Đảng viên, xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo ra xu thế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương  
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương  

Sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời vì tuổi cao, sức  yếu, người dân Đông Anh nói riêng và đồng bào cả nước nước nói chung đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Ai ai cũng tiếc thương về một người Cộng sản kiên trung, nhân cách lớn, người học trò ưu tú của Bác Hồ.

“Người dân Đông Anh chúng tôi gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với một danh từ thân thương “Bác”. Bác là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, là tấm gương sáng, tiêu biểu về đạo đức, tính cần kiệm, liêm chính. Bác là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn, sống trọn đời vì nước vì dân, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thì Bác là người đi đầu, gương mẫu. Chính vì vậy, đất nước chúng ta có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay là có công lao rất lớn của Bác” - ông Nguyễn Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh chia sẻ.

Ông Lê Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy Đông Anh
Ông Lê Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy Đông Anh

Đông Anh – vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sinh ra rất nhiều người con ưu tú cho dân tộc, từ thời kỳ dựng nước, đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc. Đông Anh cũng là nơi hai lần được lựa chọn làm kinh đô, đó là Nhà nước khởi thủy gây dựng nền tự chủ thời An Dương Vương và dưới thời Ngô Quyền sau khi đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Đây còn là quê ngoại của Nhà vua Lý Công Uẩn – người đã khai sinh ra Nhà nước phong kiến đầu tiên của Việt Nam, gây dựng nền độc lập sau hơn 1.000 năm đô hộ của phương Bắc (Trung Quốc).

Đây cũng chính là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Lại Đà, ngôi làng cổ gắn liền với dấu tích của vương triều nhà Lý và đây cũng chính là quê hương của một nhà lý luận xuất sắc khác của Đảng là đồng chí Đào Duy Tùng.

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, Đông Anh – nơi kinh đô xưa của nước Việt vẫn sản sinh ra nhiều thế hệ ưu tú, góp phần quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Chính quyền và Nhân dân xã Đông Hội làm công tác chuẩn bị cho lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chính quyền và Nhân dân xã Đông Hội làm công tác chuẩn bị cho lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Với “điểm tựa” lịch sử hào hùng, Đông Anh đã nỗ lực vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu của Thủ đô về phát triển kinh tế - xã hội. Đến thời điểm hiện tại Đông Anh đang nằm trong top đầu của TP về thu chi ngân sách, trở thành một trong số ít huyện tự chủ được về ngân sách, đáng mừng hơn cả là đến thời điểm này Đông Anh đã cán đích là huyện nông thôn mới nâng cao và chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận.

“Những thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đông Anh là sự quan tâm xuyên suốt, thống nhất, gửi gắm niềm tin dành cho huyện Đông Anh nói riêng và chính quyền Thủ đô nói chung để vững bước đi lên, xứng đáng là đầu tàu, trái tim của cả nước” – Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên xúc động nói.

Là một người khiêm tốn, giản dị nhưng lại có ý chí làm việc kiên định. Trong suốt 3 nhiệm kỳ được Đảng và Nhân dân tín nhiệm bầu là người lãnh đạo tối cao của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, công hiến to lớn đối với công cuộc phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Để đảm bảo cho công tác chuẩn bị lễ tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội (nơi sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) Lê Thế Chuyên cho biết, xã đã ngay lập tức chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tư tưởng, nắm chắc tình hình địa bàn, động viên Nhân dân trước sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào của Cấp ủy, Chính quyền và cả hệ thống chính trị về người con ưu tú, kiệt suất của quê hương; biến đau thương thành động lực đoàn kết, quyết tâm thực hiện xây dựng và phát triển quê hương như những lời căn dặn, mong muốn của đồng chí trong những lần về thăm quê hương.

“Xã đã chỉ đạo lực lượng công an xã phối hợp với cán bộ, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã; tiếp tục thực hiện trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường. Tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các nhà văn hóa, đình, đền, chùa được chăm sóc, vệ sinh, bố trí người trực. Tại khu vực Nhà văn hóa thôn Lại Đà, huyện và xã chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án để tổ chức nghi lễ quốc tang khi có sự chỉ đạo của cấp trên” – Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội Lê Thế Chuyên cho hay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, kinh qua nhiều ví trí công tác trước khi trở thành Nhà lãnh đạo tối cao của Đảng. Cho dù ở bất cứ cương vị nào thì đồng chí cũng đều thể hiện được sự gương mẫu, nhất quán nói đi đôi với làm, tinh thần làm việc không ngừng nghỉ; sự kiên định trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Với sứ mệnh của người đứng đầu Đảng, đất nước đồng chí đã luôn kiên định với kim chỉ nam phát triển đất nước bằng hai con đường song song “luật pháp và văn hóa”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu là thể hiện sự nghiêm minh của một Nhà nước, lối sống văn minh của một quốc gia và công cuộc chấn hưng văn hóa là việc xây dựng nhân cách, tư cách của dân tộc.