Người dân được lợi gì từ Thẻ căn cước công dân?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, ngày 4/1, Công an Hà Nội đồng loạt triển khai cấp Thẻ căn cước công dân (CCCD) trên toàn địa bàn TP.

Qua 3 ngày triển khai cho thấy việc cấp CCCD được coi là bước tiến mới trong công tác quản lý dân sự, người dân sẽ được giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính (TTHC).

Đơn giản, nhanh gọn

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết: Theo Luật CCCD có hiệu lực từ 1/1/2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Tại Hà Nội, từ ngày 4/1/2016, công dân Hà Nội đã đi làm Thẻ căn cước và chỉ phải mang theo duy nhất sổ hộ khẩu. Sau đó, công dân điền vào tờ khai, được chụp ảnh và hẹn ngày lấy thẻ.
Người dân đăng ký làm Thẻ căn cước công dân tại điểm đăng ký số 44 Phạm Ngọc Thạch. 	Ảnh: Đạt Lê
Người dân đăng ký làm Thẻ căn cước công dân tại điểm đăng ký số 44 Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Đạt Lê
Thẻ CCCD được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân khi ký kết được sử dụng CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Việc cấp CCCD được thực hiện giống cấp CMND 12 số, tại phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an các tỉnh, TP; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương.

Theo Thông tư 170 quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ CCCD do Bộ Tài chính ban hành, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ không phải nộp phí. Nhà nước không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25, đủ 40 và đủ 60 tuổi (Sau lần cấp mới, mọi người phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi, công dân không cần đổi)… Người dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ sẽ phải trả phí. Cụ thể, phí đổi thẻ là 50.000 đồng, cấp lại là 70.000 đồng. Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định... 

Bước tiến mới

Thượng tá Nguyễn Danh Quảng - Phó Trưởng PC64 cho biết, Hà Nội có tất cả 31 điểm cấp thẻ CCCD, bao gồm 1 điểm tại PC64 (44 Phạm Ngọc Thạch) và 30 điểm tại các quận, huyện, thị xã. Khi người dân làm thủ tục cấp, đổi CMND sang CCCD, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc CMND cũ và trả cho người dân giữ. Khi gặp khó khăn trong việc công chứng, hay giao dịch ngân hàng, bảo hiểm..., người dân có thể xuất trình CMND đã bị cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết như bình thường. Sau khi đăng ký thông tin xong, người dân sẽ nhận được giấy hẹn. Việc cấp Thẻ CCCD sẽ hoàn thành trong 7 ngày.

Thời gian để làm tất cả các công đoạn này chỉ dao động từ 3 - 5 phút. Đối với các trường hợp làm thẻ CCCD là người già, người tàn tật, thương binh sẽ được ưu tiên tiếp nhận hồ sơ và làm thẻ trước. 

Giấy CMND đã được cấp trước ngày Luật CCCD có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu sẽ được đổi sang CCCD. Như vậy có thể thấy, việc cấp thẻ CCCD là một bước tiến lớn về cải cách TTHC, giảm giấy tờ cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình. Số thẻ CCCD chính là số định danh cá nhân, mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân.

Với số định danh cá nhân này, cơ quan quản lý có thể tìm kiếm được đầy đủ thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: Ảnh chân dung, số Thẻ CCCD, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính; quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; nhóm máu; nghề nghiệp; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm cấp thẻ…

Như vậy, khi công dân xuất trình CCCD thì cơ quan chức năng không được đòi hỏi giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu vì ngày, tháng, năm sinh, nơi thường trú của công dân đều được thể hiện đầy đủ trên CCCD. Qua việc cấp CCCD, Nhà nước sẽ xây dựng được kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân, đồng thời giúp cho TTHC đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng.

CMND còn hạn vẫn có giá trị sử dụng

Những ngày qua, triển khai cấp CCCD tại 31 điểm trên toàn TP, lực lượng công an đã nỗ lực tạo mọi thuận lợi cho người dân. Toàn TP đã hoàn thành hồ sơ cấp 2.497 CCCD, riêng tại điểm cấp của PC64 đã hoàn thành hồ sơ cho 455 trường hợp. Tuy nhiên, từ sáng 5/1, lượng người đến làm thủ tục cấp CCCD tăng đột biến, dẫn đến quá tải. Đơn cử tại điểm cấp Thẻ CCCD số 44 Phạm Ngọc Thạch, chỉ tính riêng trong buổi sáng đã có gần 500 trường hợp đến làm thủ tục, tạo nên áp lực lớn với chính người dân và cán bộ chức năng.

Trước tình hình trên, chiều 5/1, Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP đã ký công văn hỏa tốc gửi Trưởng công an các quận, huyện, thị xã, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau: Rà soát bố trí cán bộ có phẩm chất đạo đức, có tư thế tác phong, có trình độ chuyên môn cao làm công tác tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, sắp xếp bố trí giải quyết hết hồ sơ của công dân đến làm thủ tục cấp CCCD trong ngày theo nguyên tắc “Làm hết việc chứ không hết giờ”. Công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực, công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân biết CMND 9 số, CMND 12 số vẫn có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp đến hết thời hạn sử dụng là 15 năm, không bắt buộc phải đổi từ CMND sang CCCD (trừ trường hợp CMND cũ bị mờ, nhòe không nhìn rõ thông tin).
Nhiều người tỏ ra lo ngại khi dùng CCCD thực hiện các giao dịch dân sự (ngân hàng, công chứng, sở hữu nhà đất, giấy tờ xe...), nếu mã số không trùng khớp với số CMND cũ (loại 9 số), sẽ được giải quyết như thế nào? Bộ Công an đã có Thông tư 18/2014/TT-BCA về hướng dẫn việc thu, nộp và xử lý CMND khi cấp, đổi. Theo đó, khi người dân làm thủ tục cấp, đổi CMND sang CCCD, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc CMND cũ và trả cho người dân giữ. Khi gặp khó khăn trong việc công chứng, hay các giao dịch dân sự liên quan đến CMND, người dân có thể xuất trình CMND đã bị cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết như bình thường. Ngoài ra, người dân có nhu cầu cũng sẽ được lực lượng công an cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND sang thẻ CCCD.
Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh - Giám đốc Công ty Luật Việt Kim, Đoàn Luật sư TP Hà Nội