Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:

Người dân được tiếp cận pháp luật tốt hơn

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngày càng có nhiều người dân được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, được tiếp cận pháp luật tốt hơn.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư Pháp) Ngô Quỳnh Hoa, hiện nay, để đánh giá 1 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần đảm bảo 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu. Cụ thể 5 tiêu chí gồm: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Người dân thực hiện thủ tục tại bộ phận một cửa phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân)
Người dân thực hiện thủ tục tại bộ phận một cửa phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân)

Ông Nguyễn Văn Bích (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho hay, thời gian qua, quận Nam Từ Liêm đã đẩy mạnh quán triệt, truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về chủ trương xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quá trình triển khai, tuyên truyền phổ biến pháp luật, hòa giải cơ sở... để nâng cao điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở được đẩy mạnh. Trên cơ sở nắm quyền của mình, người dân đã có nhiều đóng góp về công tác cải cách hành chính, trật tự đô thị, môi trường tại các hội nghị tiếp xúc cử tri. Nhiều nội dung đã được quan tâm giải quyết.

Theo UBND quận Thanh Xuân, việc xây dựng phường chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua đã tạo chuyển biến về nhận thức trong cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, ngành của quận, UBND các phường. Từ đó có sự quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn. UBND các phường đã có sự tập trung hơn trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục các tồn tại, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực, giúp người dân được tiếp cận pháp luật tốt hơn.

Phường Phúc La (quận Hà Đông) niêm yết công khai đầy đủ thông tin quy trình giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa
Phường Phúc La (quận Hà Đông) niêm yết công khai đầy đủ thông tin quy trình giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa

Nhiều quận, huyện đã sử dụng mạng xã hội để mở rộng, kết nối, tương tác thông tin giữa các chính quyền với người dân. Khi nhận được phản ánh của người dân về thông tin rác thải tập kết trên phố; đường giao thông có “ổ gà”... đã được lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhận thức của các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở về vị trí, vai trò tầm quan trọng xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có chuyển biến tích cực. Kết quả năm 2021, các xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP tương đối cao, với 557/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,2%.

Việc triển khai xây dựng và đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được UBND quận, huyện, thị xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, bảo đảm công khai minh bạch, dân chủ và đã dần đi vào nề nếp, thực chất hơn; các tài liệu kiểm chứng cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương, thời gian qua, nhận thức của các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở về vị trí, vai trò tầm quan trọng xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có chuyển biến tích cực
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương, thời gian qua, nhận thức của các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở về vị trí, vai trò tầm quan trọng xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã có chuyển biến tích cực

Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã đề nghị các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức quán triệt, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nhiệm đánh giá, công nhận xã, phường, đạt chuẩn tiếp cận pháp luật...

“Ngoài ra,  Ủy ban MTTQ TP và các tổ chức chính trị- xã hội cùng cấp tổ chức giám sát việc đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phối hợp với UBND cùng cấp theo dõi, kiểm tra, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh.